Tiền chuyển về và những thay đổi trong cộng đồng nông thôn nơi đi

Một phần của tài liệu Giới và tiền chuyển về của Lao động di cư (Trang 60 - 62)

5. VAI TRÒ GIỚI TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN TIỀN

5.3. Tiền chuyển về và những thay đổi trong cộng đồng nông thôn nơi đi

Đối với một nước có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp như Việt Nam, di dân lao động nông thôn - đô thị là chiến lược quan trọng góp phần giải quyết khó khăn ở quê nhà như: sức ép dân số, tình trạng thất nghiệp và thất nghiệp tạm thời nông thôn; bất bình đẳng và phân tầng xã hội, tạo ra những lợi thế đặc biệt cho nền kinh tế thông qua việc phân phối tiền và hàng hóa, chuyển giao lao động, phổ biến thông tin, từ đó hiện đại hóa cấu trúc xã hội nông thôn truyền thống. Cho dù giá trị tiền gửi chưa cao và trong bối cảnh mức thu nhập ở nông thôn Việt Nam chỉ bằng một phần thu nhập của thành phố thì di cư ra thành phố kiếm tiền trợ giúp gia đình vẫn là một trong những chiến lược quan trọng cho cộng đồng nông thôn.

Trên bình diện giới, trước đây, đi làm ăn xa kiếm tiền được coi là trách nhiệm của nam giới. Ngày nay, phụ nữ đã trở thành một phần quan trọng trong những dòng di dân ra đô thị với số lượng ngày càng tăng, tham gia vào mọi lĩnh vực như kinh doanh, thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đã có những thay đổi trong khuôn mẫu và chuẩn mực giới, đóng góp kinh tế gia đình cũng đồng thời giúp vai trò và quyền lực của phụ nữ từng bước được nhìn nhận, họ đã có thể đưa ra quyết định, chí ít cũng là nêu ý kiến trước những cơ hội cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, cơ hội thăng tiến xã hội. Họ nhận được từ các thành viên gia đình sự ủng hộ hoặc ít nhất cũng là sự chia sẻ vai trò nội trợ và chăm sóc con cái.

Quá trình dịch chuyển lao động ra đô thị đã làm giảm đáng kể sức ép về nguồn nhân lực và việc làm ở nông thôn. Sự chuyển dịch lao động nông nhàn đến nơi có nhu cầu theo mùa vụ đã phần nào giải quyết sự dôi dư lao động, tạo nguồn thu nhập mới. Tiền gửi về có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng, từ thấp đến cao của một bộ phận thành viên cộng đồng nông thôn. Tiền chuyển về đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho mỗi hộ gia đình nói riêng và làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn nơi đi, giúp làm tăng thu nhập, tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ, đóng góp cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội cho địa phương, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nông thôn và đô thị. Nguồn tiền này cũng có thể dùng để giúp đỡ các gia đình khác bằng việc cho bà con xóm giềng vay mượn lúc khó khăn, vay tiền để đầu tư làm ăn, mở rộng sản xuất.

Lúc trước chưa trả hết nợ em cũng lo lắm, hàng tháng có tiền lại dành dụm để trả hết đi. Bây giờ xong rồi nhẹ cả người, chi tiêu hàng tháng tiết kiệm thì cũng có khoản nhỏ để cất đi. Thỉnh thoảng hàng xóm họ bí tiền em lại cho họ vay, giúp đỡ nhau thôi chứ không lời lãi gì, ai chẳng có lúc túng thiếu.

(PVS, nữ, 25 tuổi, bán hoa quả)

Tiền, hàng hóa và những kinh nghiệm từ thành phố được đưa tới từng hộ gia đình nông thôn thông qua nam nữ di cư, tạo nên những thay đổi rõ nét đối với diện mạo nông thôn. Những đóng góp của LĐDC cả nam và nữ đã từng bước đô thị hóa nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động từ lĩnh vực lao động nông nghiệp thuần túy sang các lĩnh vực kinh tế khác. Thông tin phỏng vấn sâu cho biết, sau thời gian làm việc ở thành phố, họ có vốn làm ăn, có tay nghề và kinh nghiệm làm việc nên

có thể tự tạo việc làm cho gia đình và thu hút thêm lao động nông thôn. Nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập mới nên gia tăng nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ nhau vay vốn khi cần thiết, đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp làm tăng nguồn cung dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Những cải thiện về kinh tế của từng hộ gia viên sẽ đưa cả cộng đồng nông thôn tiến lên một bước phát triển mới.

Di cư lao động là quá trình xã hội tích cực bởi nó mở ra những cơ hội, song cũng có thể là tiêu cực bởi mỗi thành viên tham gia vào quá trình này đều phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là nhóm di cư mùa vụ. Học vấn thấp, quan hệ xã hội hạn chế khiến họ phải chấp nhận những công việc bấp bênh, độc hại; thu nhập thấp, chi phí ở thành phố lại cao khiến họ phải sống tiết kiệm trong cảnh chật chội, thiếu thốn; sức ép kiếm tiền khiến họ phải lăn lộn ngày đêm, làm hao tổn sức khỏe; và còn rất nhiều khó khăn khác nữa. Song, bất chấp tất cả những điều đó, di dân lao động vẫn là lời giải phù hợp nhất cho bài toán phát triển kinh tế gia đình hiện nay và tiền chuyển về là nguồn cung cấp không thể thiếu trong kế hoạch phát triển kinh tế gia đình của hầu hết những người được phỏng vấn.

* * *

Như vậy nguồn tiền chuyển về không chỉ mang lại những thay đổi cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và còn mang nhiều ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng nông thôn nơi đi. Ý nghĩa tích cực về kinh tế thể hiện ở chỗ bài toán về việc dôi dư lao động nông thôn dần được giải quyết, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phát triển những nghề phi nông nghiệp, Nguồn tiền, hàng hóa cũng như những kiến thức được chuyển tải từ thành phố đã giúp thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo những ngành nghề kinh doanh mới. Những tiêu dùng thông qua nguồn tiền chuyển về cũng giúp kinh tế địa phương tăng trưởng và phát triển. Trên khía cạnh giới, đó là những bước tiến trong việc nhìn nhận và đánh giá giá trị của người phụ nữ, cộng đồng đã có cái nhìn chia sẻ hơn đối với những người phụ nữ đi làm ăn xa đặc biệt là phụ nữ trẻ chưa lập gia đình, những giá trị xã hội mới được cập nhật thường xuyên tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nông thôn và thành thị.

Một phần của tài liệu Giới và tiền chuyển về của Lao động di cư (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)