TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM KHẢO SÁT THIẾT KẾ

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác Kế toán tập hợp chi phí sản xuất & tính giá thành sản phẩm tại Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ Lợi 1 (Trang 27 - 29)

1. Xác định đối tượng tính giá thành sản phẩm

a. Căn cứ để xác định đối tượng tính giá thành

Xác định đối tượng để tính giá thành là công việc cần thiết cho việc tính giá thành sản phẩm của kế toán. Để xác định đúng các đối tượng tính giá thành doanh nghiệp phải dựa vào các đặc điểm sau:

- Đặc điểm về quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm - Loại hình sản xuất

- Đặc điểm về yêu cầu nhiệm vụ quản lý - Đối tượng tập hợp (hạch toán) chi phí

b. Đối tượng tính giá thành

Từ những căn cứ trên, dựa vào đặc điểm hoạt động của đơn vị khảo sát thiết kế và để phù hợp với đối tượng hạch toán chi phí sản xuất nên đối tượng tính giá thành trong các đơn vị khảo sát thiết kế thường là các công trình, các giai đoạn công việc đã hoàn thành, các khối lượng công việc có dự toán riêng đã hoàn thành. Đây là căn cứ để kế toán mở các phiếu tính giá thành sản phẩm theo từng đối tượng, phục vụ quá trình kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch giá thành, tính toán hiệu quả xác định thu nhập và tăng cường khả năng hạ giá thành sản phẩm.

2. Kỳ tính giá thành sản phẩm khảo sát thiết kế

Kỳ tính giá thành là mốc thời gian bộ phận kế toán giá thành phải tổng hợp số liệu để tính giá thành thực tế cho các đối tượng tính giá thành.

Chí phí sản xuất của doanh nghiệp khảo sát thiết kế phát sinh trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp nhưng để phục vụ cho công tác quản trị và hạch toán kinh doanh, chi phí phải được tính toán tập hợp theo từng thời kỳ: tháng, quý, năm cho phù hợp với kỳ báo cáo.

3. Các phương pháp tính giá thành sản phẩm khảo sát thiết kế

Phương pháp tính giá thành sản phẩm là phương pháp sử dụng số liệu chi phí sản xuất đã tập hợp trong kỳ để tính toán giá thành theo từng đối tượng hạch toán.

Có nhiều phương pháp tính giá thành sản phẩm, nhưng căn cứ vào các đặc điểm về kinh tế - kỹ thuật của đơn vị khảo sát thiết kế có thể có những phương pháp tính giá thành sản phẩm khảo sát thiết kế sau:

- Phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng - Phương pháp tính giá thành giản đơn

- Phương pháp tính giá thành theo định mức

a. Phương thức tính giá thành theo đơn đặt hàng

Trong trường hợp đơn vị khảo sát thiết kế thực hiện hoạt động khảo sát thiết kế theo đơn đặt hàng của khách hàng, kế toán tiến hành tập hợp chi phí sản xuất theo từng đơn. Đối tượng tính giá thành sản phẩm khảo sát thiết kế chính là công trình hay giai đoạn công việc hoàn thành theo đơn đặt hàng.

Đặc điểm của việc tập hợp chi phí sản xuất trong các đơn vị khảo sát thiết kế là toàn bộ chi phí sản xuất phát sinh đều được tập hợp theo từng đơn đặt hàng của khách hàng mà không kể đến quy mô của công trình hay sự khác biệt về quy trình công nghệ, về thời gian thực hiện... Đối với các chi phí trực tiếp (chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và nhân công trực tiếp) phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến đơn đặt hàng nào thì hạch toán trực tiếp cho đơn đặt hàng đó theo chứng từ gốc (hay bảng phân bổ chi phí). Đối với chi phí sử dụng máy thi công và chi phí sản xuất chung, sau khi tập hợp xong sẽ phân bổ cho từng đơn đặt hàng theo tiêu thức phù hợp.

Do việc tính giá thành sản phẩm trong các đơn vị khảo sát thiết kế chỉ tiến hành khi đơn đặt hàng hoàn thành nên kỳ tính giá thành thường không nhất trí với kỳ báo cáo. Đối với những đơn đặt hàng đến kỳ báo cáo chưa hoàn thành thì toàn bộ chi phí tập hợp được theo đơn đó đều coi là sản phẩm dở dang cuối kỳ chuyển kỳ sau. Đối với những đơn đặt hàng đã hoàn thành thì tổng chi phí sản xuất đã tập hợp được theo đơn đó chính là tổng giá thành sản phẩm khảo sát thiết kế cần tính.

b. Phương pháp tính giá thành giản đơn

Hiện nay phương pháp này được sử dụng phổ biến trong các đơn vị khảo sát thiết kế bởi tính chất đơn chiếc của quá trình thi công và bởi sự phù hợp giữa đối tượng tập hợp chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành sản phẩm. Mặt khác, áp dụng phương pháp này sẽ cung cấp kịp thời số liệu về giá thành sản phẩm khảo sát thiết kế trong mỗi kỳ báo cáo với cách tính đơn giản và thực hiện dễ dàng.

Theo phương pháp này, tập hợp các chi phí sản xuất phát sinh trực tiếp cho một công trình hay giai đoạn công việc từ khi khởi công đến khi hoàn thành chính là giá thành thực tế của công trình, giai đoạn công việc.

c. Phương pháp tổng cộng chi phí

Khi các công trình khảo sát thiết kế có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp, với đối tượng tập hợp chi phí là từng đội, phòng sản xuất, còn đối tượng tính giá thành là sản phẩm cuối cùng, để tính được giá thành sản phẩm cuối cùng phải tổng hợp chi phí ở các tổ, đội:

G = DDK + C1 + C2 + ... + Cn - DCK Trong đó: G là giá thành sản phẩm

DDK là tổng chi phí dở dang đầu kỳ

C1, C2, ..., Cn là chi phí sản xuất ở các bộ phận sản xuất DCK là tổng chi phí dở dang cuối kỳ

Ngoài các phương pháp trên, các doanh nghiệp khảo sát thiết kế cũng có thể áp dụng một số phương pháp tính giá thành khác như: Phương pháp hệ số, phương pháp tỷ lệ theo kế hoạch... Việc áp dụng phương pháp nào là dựa trên cơ sở thực tế phát sinh ở từng doanh nghiệp. Trên thực tế các doanh nghiệp thường áp dụng kết hợp các phương pháp trên.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác Kế toán tập hợp chi phí sản xuất & tính giá thành sản phẩm tại Công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ Lợi 1 (Trang 27 - 29)