Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự hội tụ giữa các dịch vụ viễn thông – truyền thông như điện thoại, fax, internet, e-mail... đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh, thương mại của các tổ chức, cá nhân và sự phát triển kinh tế xã hội của các nước. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông cũng đẩy nhanh tốc độ tự do hóa kinh tế, toàn cầu hóa và khu vực hóa, điều này tạo ra nhiều sức ép về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TNHH Du lịch dịch vụ Công đoàn đường sắt Việt Nam nói riêng. Đồng thời, cách duy nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh cho một DN có quy mô nhỏ cũng là đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và đẩy nhanh tốc độ tham gia các thị trường chung. Thương mại điện tử là một yêu cầu tiên quyết vì khi hội nhập kinh tế và tham gia các thị trường chung, doanh nghiệp phải sử dụng phương thức giao dịch đang trở nên phổ biến hiện nay là phương thức kinh doanh thương mại điện tử.
Phát triển TMĐT là xu hướng tất yếu của thời đại trên phạm vi toàn cầu. Triển khai ứng dụng TMĐT ở công ty TNHH Du lịch dịch vụ Công đoàn đường sắt Việt Nam đã được xác định cụ thể qua kế hoạch tổng thể của ban
lãnh đạo công ty và các chương trình trọng điểm theo hướng phát triển của DN những năm sau này. Trong những chương trình này, chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Doanh nghiệp đã nhận thấy lợi ích và tầm quan trọng của TMĐT đối với hoạt động kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử hoàn toàn chưa có, chỉ một số rất ít là các cán bộ kinh doanh, hoặc cán bộ tin học được đào tạo ngắn hạn về TMĐT. Hơn nữa, do đặc thù của lĩnh vực TMĐT đòi hỏi người làm phải có cả ba khối kiến thức về: thương mại, CNTT và ngoại ngữ nên đào tạo ngắn hạn không thể đem lại những kiến thức và kỹ năng đầy đủ, cần thiết để tổ chức hoạt động thương mại hiệu quả nhất tại doanh nghiệp. Mặc dù định hướng đào tạo thêm nguồn nhân lực hoặc thiết lập phòng ban riêng về TMĐT được DN quan tâm đến, nguồn lực cho CNTT nói chung và cho việc phát triển TMĐT ở DN nói riêng vẫn còn thiếu và yếu. Thực tế hiện nay, DN chưa hề có một cán bộ chuyên trách về TMĐT mà chủ yếu mảng hoạt động TMĐT do cán bộ kiêm nhiệm phụ trách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả áp dụng phương thức kinh doanh TMĐT ở công ty.
Khoảng trống lớn về nhân lực có kiến thức thương mại điện tử sẽ là khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi phải thích nghi với các phương thức giao dịch thương mại của các nước phát triển. Nếu không được đầu tư kịp thời về nhân lực, thương mại điện tử vốn là một lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thế sẽ trở thành một rào cản nữa cho doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng quản lý các hoạt động liên quan đến TMĐT là một nhu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Làm thương mại trong môi trường kinh doanh quốc tế đòi hỏi không chỉ am hiểu về nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, nắm vững luật pháp kinh doanh
quốc tế mà còn phải biết tận dụng những thành tựu của CNTT - truyền thông và các hoạt động kinh doanh để tăng hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với đặc thù của chuyên ngành TMĐT, việc sử dụng một nguồn nhân lực vừa có kiến thức về kinh doanh quốc tế và chuyên sâu về thương mại điện tử, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng và kiến thức đầy đủ về CNTT, chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đang rất cấp bách của doanh nghiệp trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.