Khi chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, nước ta thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế. Cũng từ đó, nhiều lĩnh vực không còn bó hẹp trong sự hoạch định của Nhà nước mà được phát triển theo quy luật cung – cầu. Càng ngày chúng ta càng thừa nhận tính đúng đắn của sự chuyển đổi ấy. Cùng với quá trình này, khái niệm Xã hội hoá không còn xa lạ.
Xã hội hoá các lĩnh vực, các ngành khác thì đó là chuyện bình thường vì nó thể hiện trách nhiệm, sự đóng góp chung của xã hội ( Nó được hiểu là “làm cho mang tính xã hội” hay “huy động toàn xã hội tham gia” ), nhất là từ khi Đảng và Nhà nước ta có chính sách đổi mới "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội…
Xã hội hoá theo cách hiểu của thuật ngữ kinh tế thị trường là tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực thuộc nhà nước quản lý để phát huy những tiềm năng và chất xám và khả năng của họ, tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước, phục vụ cộng đồng, góp phần làm cho dân giàu nước mạnh.
Cũng mang nghĩa này, Xã hội hoá truyền hình chính là "sự tham gia vào quá trình sản xuất chương trình từ bên ngoài ngành truyền hình" ( Định nghĩa này đã được ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc thường trực Đài TH Việt Nam khẳng định tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 25 Nha Trang – Khánh Hòa). Tức là trong các khâu sản xuất, hình thành tác phẩm của một chương trình truyền hình có sự tham của một hoặc nhiều đơn vị, cơ quan không liên quan đến Đài truyền hình. ( Một đơn vị bên ngoài bất kể nhà nước,
tư nhân có thể đảm nhiệm đứt đoạn, trọn gói một chương trình và đài truyền hình có thể tiếp nhận phát sóng - Hay các đơn vị, các tổ chức, các doanh nghiệp hợp tác bằng việc cung cấp một sản phẩm cụ thể hoặc phối hợp tổ chức các sự kiện, các chương trình đúng theo tôn chỉ, mục đích của đài truyền hình, được kiểm kê, kiểm soát, thẩm định xét duyệt truớc khi sản xuất và phát sóng…).Thay vì chỉ hợp tác như trước, nay thì đặt thẳng các công ty làm trọn gói một chương trình. Thí dụ đặt hàng sản xuất phim truyện truyền hình, sân khấu, ca nhạc… Ông Tuấn cho rằng: "Bản chất của xã hội hoá không phải là vì tiền mà là việc lôi kéo nhiều đơn vị, tổ chức tham gia vào quá trình sản xuất chương trình, nhằm giảm tải cho nhà Đài cũng như tạo ra hiệu quả tốt nhất cho các chương trình truyền hình. Và nó sẽ thu hút đựơc sự quan tâm và ủng hộ của công chúng".
Cho nên xã hội hoá truyền hình thực chất là xã hội hoá việc sản xuất các chương trình truyền hình .
Đón đầu xu hướng đó, năm 2004 ProVietnam ra đời và đã mạnh dạn trong đầu tư, năng động trong cơ cấu và hoạt động của mình. Không chờ đợi một cách thụ động, ProVietnam đến gõ cửa các Đài truyền hình chào bán chương trình như phim truyện truyền hình, gameshow.., đăng ký sản xuất, nhận mời tài trợ...