chút “khái niệm” gì về Tết Đoan Ngọ, chỉ thấy vui háo hức khi nghe nội biểu chuẩn bị sẵn các thứ từ thức ăn mặn đến bánh trái, hoa quả... cho ngày mồng 5.
Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch là một ngày Tết truyền thống tại các nước Đông Á trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, dân gian gọi là Tết giết sâu bọ. Với niềm tin đó, cũng là ngày tốt, ngày lành có thể trừ đi mọi điềm xấu trong mỗi con người, cây cối và mùa màng.
Tết Đoan Ngọ cũng là một dịp để bày tỏ tình cảm với người thân. Theo truyền thống của đa số người Việt, thường có phong tục đi tết ông bà cha mẹ, thầy cô, người thân… và những người làm ơn cho mình trong ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm.
Chè ăn mồng 5
Ở quê tôi gần đến ngày Tết Đoan Ngọ, các bà nội trợ đã lo chuẩn bị trước, các khâu nguyên liệu như củi, nếp, lá, lạt… để gói bánh ú tro. Cha ông thường nói, mồng 5 mà không có bánh ú tro thì không phải là mồng năm. Mẹ tôi cũng lo tươm tất đâu vào đó, nồi chè đậu xanh được nội nấu thật nhừ từ tối hôm trước. Xôi lên men mùi hương thơm phức quyến rũ, nước “tứa” ra, vừa ngọt, vừa thơm. Ăn cả nước lẫn cái nhai bùi, béo, rất lôi cuốn hấp dẫn thơm ngon. Chị em tôi mỗi đứa ăn hết một chén nhỏ
nhưng miệng vẫn “thòm thèm”, muốn xin mẹ thêm chén nữa nhưng hình như hai lỗ tai đang “lùng bùng”, hai má bắt đầu ửng đỏ, cảm giác lâng lâng rất thú vị. Rượu nếp cũng là một phần không thể thiếu được trong dịp lễ này.
Bánh ú tro ăn mồng 5. Ảnh Internet
Các phiên chợ quê ngày Tết Đoan Ngọ đông vui nhộn nhịp lạ thường, khoảng 4, 5 giờ sáng, nhiều người dân quê đã đổ ra đường, những chiếc xe đạp thồ chở đầy hàng, người gồng gánh vai kĩu kịt, kẻ bưng thúng, người đội đầu, tay xách nách mang, chân đi thoăn thoắt, tất cả đều tiến về phía chợ... những món
hàng người dân đem ra chợ bán chủ yếu cây nhà lá vườn, là những thức quà không thể thiếu cho ngày tết mồng 5.
Kinh nghiệm dân gian biết trước ngày Tết Đoan Ngọ thế nào cũng bán được giá cao, từ con gà con vịt, nải chuối, buồng cau, rau rợ, trái cây trong vườn …ai ai cũng ”dồn lại” để dành chờ bán trong ngày mồng 5.
Ở chợ quê, lá thuốc nam cũng được bày bán rất nhiều cho ngày tết Đoan ngọ. Kẻ mua người bán tấp nập làm cho quang cảnh phiên chợ quê ồn ào náo nhiệt hẳn lên, cũng không thua phiên chợ Tết Nguyên Đán là mấy, các mẹ các chị đi chợ ai cũng lo bán cho nhanh mua cho sớm mà về còn lo việc nhà, nhất là lo cho mâm cỗ mồng 5 thật chu đáo, nên chỉ lao xao vài giờ đồng hồ là chợ đã “muốn tan”.
Riêng Nội tôi năm nào cũng thế, cứ đến ngày Tết Đoan Ngọ, nội dậy thật sớm khi đàn gà còn chưa kịp bước xuống đất, trời còn mờ mờ trong hơi sương, nội đã vội vã ra vườn cẩn trọng hái một ôm nào lá chè xanh, bồ công anh, lá chanh, lá bưởi, lá sả, hương nhu, ngãi cứu, mã đề … rồi chia làm hai phần, một nửa nội đem phơi khô, đóng gói cẩn thận cất dành phòng khi trong nhà con
cháu cảm mạo. Còn lại một nửa lá kia còn ướt đẫm sương mai nội cho vào ấm nấu sôi lấy nước để tắm. Vì theo lời nội, những lá cây trong vườn nhà, được hái từ lúc sáng sớm tinh mơ vào ngày mồng 5 trước khi mặt trời mọc rất tốt và mang một ý nghĩa thiêng liêng…
Ngày ấy chị em tôi còn bé nên rất ngây thơ, không có một chút “khái niệm” gì về ngày Tết Đoan Ngọ, chỉ thấy vui mừng háo hức khi nghe nội biểu mẹ chuẩn bị sẵn các thứ từ thức ăn mặn đến thức ăn ngọt, bánh trái, hoa quả ...cho ngày mồng 5. Và không vui sao được khi chỉ có ngày Tết Nguyên đán và ngày Tết Đoan Ngọ là mẹ và bà Nội mới làm nhiều món ăn đến thế.
Ở miền quê nghèo tiền bạc hiếm hoi, quanh năm lam lũ dãi dầu nắng mưa, mấy khi mới có dịp thưởng thức được nhiều đồ ăn như thế, chị em tôi thỏa thuê tha hồ chọn lựa món ăn rồi thi nhau “đánh chén” no nê.
Cây mít và bưởi sau vườn nhà
Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm rất vui trong cái Tết Đoan Ngọ năm nào, khi chị em tôi còn thơ bé đang học tiểu học trường làng, mặc dầu thời gian đã qua đi rất lâu nhưng tôi vẫn ấn tượng mãi không sao quên được.
Ở quê tôi người dân rất xem trọng ngày Tết Đoan Ngọ. Trong nhà nội thuộc thế hệ xưa nên không tránh khỏi “cổ hủ” và hơi “mê tín”, tôi cứ tưởng trong nhà chỉ nội tôi như thế nào ngờ bố tôi cũng vậy. Đúng giờ ngọ mồng 5 hôm ấy, bố tôi “tạo dáng” với khuôn mặt “hình sự” tay cầm cây gậy lăm lăm tiến thẳng tới gốc bưởi sau nhà rồi “vụt” liên tiếp mấy cái vào thân cây, vừa
đánh vừa la to “Bưởi kia, mày có ra trái hay không thì bảo, liệu hồn không thôi năm sau tao chặt bỏ”. Nói xong bố lại “vụt” thêm mấy cái nữa.
Lần đầu tiên chứng kiến cảnh “ngộ nghĩnh” này cả mấy chị em tôi vô cùng ngạc nhiên và ngỡ ngàng, vừa thích thú lại vừa “mắc cười” rán nhịn nhưng không tài nào nhịn được, đành phá ra cười “nghiêng ngã”. Mấy chị em liền bị bố mắng cho một trận và bảo ”chúng mày cười như thế làm cho cây nó lờn mặt”. Còn Nội lại nói “chúng mày làm mất hết linh rồi”.
Lúc ấy tôi không thể hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, chỉ biết cây bưởi đó bố tôi trồng đã 6, 7 năm mà đến nay vẫn chưa cho trái mà chỉ toàn lá với lá, thế mà qua lần “khảo tra” ấy của bố, sang năm sau cây bưởi đó cũng đậu được trên vài chục quả. Kế tiếp những năm sau đó tuy không nhiều nhưng năm nào cây bưởi cũng cho trái. Điều kỳ lạ này không biết do ngẫu nhiên hay “thần thông” mà mãi cho đến tận bây giờ, đã đi qua quá nửa đời người, tóc nay đã lên màu sương khói mà tôi vẫn chưa lý giải ra …
Cây bưởi sau vườn nhà
Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt văn hoá dân gian của người nông dân Việt Nam. Sự Việt hóa và biến thể của Tết Đoan Ngọ vô cùng ý nghĩa, ít nhất là về mặt tinh thần và trở thành nét đẹp của văn hóa tâm linh của người dân đất nước nông nghiệp nhiều cây trái.
Ngày Tết Đoan Ngọ, kỷ niệm thời ấu thơ bổng dưng lại ùa về, hình bóng sống động của nội và mẹ ngày nào nay chỉ còn hiện hữu trong trí nhớ. Trong vườn cũng còn vài cây ăn quả “mãi”
vẫn chưa ra trái, tuổi đời mênh mông của “kiếp” làm người “có kỳ có hạn”. Bố cũng đã già yếu lắm, không còn giơ nổi cây gậy…
Tết Đoan Ngọ vẫn ”trẻ mãi” ung dung đồng hành cùng năm tháng và hiện hữu hằng năm trong tâm tưởng rất nhiều người, ngày Tết Đoan Ngọ tôi lại nhớ đến Nội và Mẹ hơn bao giờ hết.