9 14/6/15 Samsung Vina
2.2.5 Đánh giá quan hệ đầu tư( FDI) Hàn Quốc và Việt Nam
2.2.5.1 Đạt được
Có thể nhận định rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam và đặc biệt từ Hàn Quốc năm 2007 tăng một cách kỷ lục với 3,68 tỷ USD trong tổng số 20,3 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam. Nhờ những thuận lợi đầu tư trong 2 năm 2006 và 2007 mà tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2007 đã đạt 11,5 tỷ USD với 1315 dự án đăng ký, chiếm 16,4 % tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, đầu tư vào Việt Nam đã chiếm đến 8% tổng vốn đầu tư nước
ngoài của Hàn Quốc. Để thu hút được một lượng vốn FDI từ Hàn Quốc Việt Nam đã biết tận dụng lợi thế của mình đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư trong nước.
Trong thời gian vừa qua, Việt nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, kinh doanh của nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thông thoáng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng là yếu tố quan trọng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Đặc biệt, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cùng với Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và một số luật khác được ban hành và có hiệu lực trong năm 2006 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá kinh tế thị trường và đường lối mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Chính sách đổi mới, thể chế kinh tế thị trường đang được hoàn thiện, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm đang là những yếu tố tạo lòng tin cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, quan hệ chính trị giữa Việt Nam với hầu hết các nước đang diễn biến theo chiều hướng tích cực cũng là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế, đầu tư.
Mặt khác, ở các địa phương hiện nay đang thực hiện rất nhiều chương trình hành động để mời các nhà đầu tư trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc. Các tỉnh, thành phố cố gắng tiến hành các thủ tục cấp phép, giải phóng và san lấp mặt bằng, đào tạo nghề cho lực lượng lao động địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Hàn Quốc.
Những yếu tố trên cùng với nỗ lực nhằm nâng cấp kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, tăng cường chống tham nhũng đang tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của nước ngoài vào nước ta.
2.2.5.2 Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân
Mặc dù, trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao những nỗ lực đổi mới của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
- Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 đánh dấu sự tiến bộ về môi trường pháp lý đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện 2 luật này trong giai đoạn đầu khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc do có nhiều quy định mới đòi hỏi phải được hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, việc phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy và nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư của các địa phương để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
- Tuy trong thời gian qua kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nước ta đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng thiếu vốn bảo dưỡng và duy trì, vẫn thuộc diện kém phát triển, còn nhiều bất cập, kém hấp dẫn hơn so với nhiều nước trong khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Nguyên nhân của vấn đề này một phần là bởi còn nhiều yếu kém trong khâu quản lý vốn ODA, vốn vay để phát triển cơ sở hạ tầng. Tình trạng quá tải, gây ách tắc giao thông; nguy cơ quá tải của hệ thống mạng thông tin viễn thông, cảng biển và cấp - thoát nước đã và đang ảnh
hưởng, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sở dĩ còn tồn tại nhược điểm trên là do trong những năm vừa qua chất lượng các công trình giao thông không tốt, khâu giám sát và quản lý còn lỏng lẻo. Chúng ta chỉ thực sự nhận thức được vấn đề này sau khi có những vụ điều tra xung quanh vụ PMU 18 xảy ra ở Việt Nam.
Cải cách hành chính tuy đang được đẩy mạnh song chưa đạt kết quả mong muốn. Khâu quy hoạch, xây dựng và công bố danh mục dự án thu hút đầu tư nước ngoài còn chậm và nhiều bất cập. Tình trạng khan hiếm lao động có trình độ tay nghề cao và cán bộ quản lý đang có chiều hướng gia tăng là cản trở lớn đối với việc thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng kỹ thuật cao. Cũng theo một điều tra của Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư KOTRA Hàn Quốc, mở một cuộc điều tra về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nước này ở Việt Nam( trong 2 tháng 11 và 12-2006), bên ngoài những mặt thuận lợi, họ còn chỉ ra những khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam như sự khác biệt về văn hoá, khung hành lang pháp lý chưa hoàn thiện( trong đó có vấn đề quan liêu tham nhũng), thiếu thông tin, bất đồng ngôn ngữ, thủ tục hành chính… có 36 % nhà doanh nghiệp Hàn Quốc được hỏi đã cho rằng khó khăn lớn nhất của họ tại Việt Nam là thủ tục hành chính, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 13%, Philippin là 18% và Inđônêxia là 22%. Trong một cuộc điều tra khác được thực hiện trong năm 2004, cho thấy trên 50% các công ty mất từ 1 – 6 tháng để đăng ký kinh doanh, tiếp theo phải mất hơn 6 tháng, thậm chí có một số công ty phải mất hơn 2 năm để xin giấy phép đầu tư. Để đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục của các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương, 74% các công ty thỉnh thoảng phải chi thêm một
khoản chi phí, 9% phải thường xuyên chi thêm các khoản chi phí này để giải quyết mọi vấn đề nhanh chóng, chỉ có 17% không bao giờ chấp nhận trả các chi phí bất hợp pháp này.
Một vấn đề đang trở thành thời sự hiện nay đó là lạm phát đang gia tăng mạnh ở Việt Nam, giá các mặt hàng tiêu dùng tăng đột biến. Dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng , chi phí tiền lương tăng sau khi nâng mức lương tối thiểu... đang gây khó khăn cho nhà đầu tư và có nguy cơ làm giảm sự hấp dẫn đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài nhận xét rằng, so với mặt bằng chung khu vực hiện nay, giá cả ở Việt Nam vẫn đứng ở mức cao, cần cải thiện hơn. Chẳng hạn, như giá cước viễn thông gọi từ Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn cao, mặc dù năm 2007, Việt Nam đã giảm mạnh cước quốc tế 28% so với năm 2003. Năm 2003, giá cước điện thoại từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội gọi đi Nhật là 2,7 USD/3 phút; năm 2007 đã giảm còn 1,62 USD/3 phút; nhưng so với các thành phố lân cận trong khu vực như Băng Kốc (Thái Lan) giá chỉ là 1,19 USD/3 phút; Manila (Philippin) là 1,2 USD/3 phút... Điều này cho thấy, giảm chi phí đầu tư so với chi phí của Việt
Nam trước đó chưa đủ mà cần so sánh với các nước láng giềng trong khu vực. Về giá điện, mặc dù đã bỏ chế độ hai giá nhưng người nước
ngoài thuê nhà ở Việt Nam vẫn phải chịu giá điện kinh doanh, bởi họ không thể ký hợp đồng với cơ quan địa phương, do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn phàn nàn về quyết định bỏ chế độ hai giá mới chỉ giải quyết được một nửa mục tiêu giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, tình hình cắt điện như thời gian vừa qua cho thấy tình hình ổn định điện sản xuất ở Việt Nam vẫn chưa đảm bảo khiến cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài lo lắng. Hay trong lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân đối với người
nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, mức cao nhất 40% (đối với những người thu nhập từ 80 triệu VNĐ trở lên) như hiện nay của Việt Nam vẫn là mức cao nhất so với các mức của Thái Lan là 37%, hay trung bình trong khu vực là 32,55%.
Giá thuê văn phòng trong khu vực đang có xu hướng giảm hoặc giữ nguyên thì mức giá ở một số thành phố như Hà Nội lại tăng 13%. Nguyên nhân của sự tăng giá này, có thể là do đầu tư nước ngoài đang tăng dần ở khu vực miền Bắc Việt Nam và đặc biệt là ở Hà Nội. Các công ty trong nước hiện cũng có nhu cầu thuê văn phòng, trong khi số lượng văn phòng mới được xây không nhiều.
Hoạt động xúc tiến đầu tư ở Việt Nam đã có nhiều cố gắng nhưng gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí để tổ chức các cuộc vận động, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài cũng như để hoàn chỉnh các tài liệu xúc tiến đầu tư, khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài thiếu thông tin về thị trường Việt Nam. Từ trước đến nay, chủ yếu là các nhà đầu tư tự tìm đến Việt Nam chứ chưa được mời đến. Hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam còn quá chung chung, chưa bài bản nên không biết đối tác cần gì và muốn gì, do vậy không thể thu hút, lôi kéo được họ vào Việt Nam. Ngoài ra, trong việc cung cấp thông tin ở nước Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất khó lấy được số liệu phản ánh chính xác tình hình và cập nhật của hoạt động FDI ở nước ta. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa số liệu vốn FDI của các dự án được cấp giấy phép – thường xuyên được thông báo, cập nhật trên trang Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Tổng cục Thống kê, với số liệu vốn FDI của các dự án bị thu hồi giấy phép thông qua bảng cân đối các
khoản thanh toán nhưng sự khác biệt quan trọng này lại thường không được làm rõ. Phải thật tinh tế mới nắm được và tập hợp được các số liệu FDI “bình thường” khi mà hiện có rất nhiều cơ quan được ủy quyền cấp và thu hồi giấy phép FDI. Và còn khó khăn hơn rất nhiều khi các nhà đầu tư muốn xem xét hoạt động FDI thông qua các khoản thu được tái đầu tư, các dự án liên doanh (nơi có góp vốn của địa phương, thường dưới dạng quyền sử dụng đất và thường bị phóng đại so với giá trị thực...), tài trợ thông qua vốn vay ngân hàng hoặc các khoản vay giữa các công ty, các dự án FDI bị thu hồi giấy phép; hoạt động đầu tư với quy mô nhỏ, không chính thức của các Việt kiều thường không được cấp giấy phép. Những giới hạn về dữ liệu thông tin này thường gặp ở Việt Nam và chúng gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin một cách đầy đủ. Điều này là rất quan trọng, bởi nó giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc xác định khu vực, ngành, lĩnh vực...có thể đầu tư, tránh việc có quá nhiều dự án bị thu hồi giấy phép hoặc không thể triển khai làm giảm hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài, giảm khả năng cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Một rào cản nữa đối với môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đó chính là tính minh bạch và công khai của nền kinh tế còn hạn chế. Đặc biệt, yêu cầu về minh bạch và công khai các thông tin tài chính vi mô của doanh nghiệp còn chưa phổ biến. Quy định bắt buộc kiểm toán độc lập với báo cáo tài chính mới chỉ hạn chế trong một số ít các doanh nghiệp( các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung, các doanh nghiệp nước ngoài). Còn lại, phần lớn các doanh nghiệp chưa và chưa phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu công khai và minh bạch tài chính. Điều này dẫn đến tính cạnh tranh trong nền kinh tế chưa được phát huy
hai hệ quả ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư đó là: tham nhũng và tăng chi phí kinh doanh. Chính vì vậy, để cải thiện môi trường đầu tư cần phải tăng cường và tích cực thiết lập cơ chế đảm bảo công khai minh bạch bao gồm cả công khai minh bạch trong chính sách, trong chi tiêu công và trong thông tin tài chính doanh nghiệp.
Cạnh tranh thu hút vốn FDI giữa các nước trong khu vực ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nước ta; đồng thời, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, sâu rộng hơn trên bình diện quốc gia, giữa sản phẩm của ta với sản phẩm các nước do thuế nhập khẩu cắt giảm từ mức trung bình 17,4% hiện nay xuống 13,4% trong vòng từ 3 đến 4 năm tới. Cùng với việc gia tăng sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ dẫn đến ngừng triển khai dự án hoặc rơi vào tình trạng phá sản. Mặt khác, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về Luật Lao động chưa tốt, tiềm ẩn tình trạng đình công bất hợp pháp tại một số doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, cần phải nâng cao nhận thức về những thách thức nảy sinh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với cả cơ quan quản lý các cấp lẫn các doanh nghiệp và người lao động, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO.
Chương III
TRIỂN VỌNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC KINH TẾ THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM – HÀN QUỐC