Trái đất ngày xưa phủ kín một màu xanh của cây cối. Hồi đầu thế kỷ này ngay Hà Nội của chúng ta cũng còn nằm sát rừng. Vậy mà bây giờ rừng đã lùi xa khỏi các điểm tập trung dân cư. Chỉ tính riêng ở vùng Hà Nội, trung bình mỗi năm rừng lùi xa khỏi chúng ta khoảng 1 km. Vì sao vậy?
Rừng bị chặt phá trước tiên là để lấy đất làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi thuỷ sản, xây dựng... Những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ bị chuyển hoá thành đất nông nghiệp còn có thể trồng trọt được lâu dài. Hiện nay, những vùng như vậy hầu như đã bị khai thác hết. Còn những vùng đất dốc, kém phì nhiêu, sau khi bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp, thường cho năng suất thấp, rất dễ và nhanh bị bạc màu, hoặc đòi hỏi phải có những đầu tư tốn kém cho tưới tiêu và cải tạo đất. Rừng ngập mặn ven biển của Việt
Nam đang bị chặt phá để làm ao nuôi tôm. Do nuôi tôm kiểu quảng canh, không đúng kỹ thuật, nên năng suất không cao và mỗi ao cũng chỉ cho thu hoạch được vài năm, sau đó người ta lại đi chặt phá rừng làm ao mới. Rừng Tây Nguyên đang bị người dân di cư tự phát đốt phá nham nhở.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến mất rừng là lấy gỗ làm củi đốt. Cho đến thế kỷ XIX, trước khi khám phá ra khả năng đốt bằng than và dầu, chất đốt chủ yếu của con người là củi gỗ. Nhiều nước châu Âu, trong giai đoạn đầu của cách mạng khoa học kỹ thuật đã đốt gần hết rừng của mình. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, củi và than củi vẫn là chất đốt chính trong gia đình và các bếp đun đang đốt khoảng 1/4 số diện tích rừng bị tàn phá hàng năm.
Nguyên nhân thứ ba gây mất rừng là do khai thác gỗ. Gỗ cần cho sản xuất các đồ gia dụng, sản xuất giấy... Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, làm cho lượng gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều. Trong khai thác gỗ, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, chỗ nào dễ thì khai thác trước, không đốn tỉa mà chặt hạ trắng, nghĩa là chặt từ bìa rừng vào, vừa chặt cây to để lấy gỗ, vừa phá hoại cây con, thì những khu vực rừng đã bị chặt phá sẽ khó cơ hội tự phục hồi lại được.
Nguyên nhân thứ tư gây mất rừng là do cháy. Rừng bị cháy do đốt rừng làm nương, làm bãi săn bắn, dùng lửa thiếu thận trọng trong rừng, thiên tai, chiến tranh... Trong mùa khô, chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá cháy dở, một bùi nhùi lửa đuổi ong ra khỏi tổ để lấy mật cũng đủ gây ra một đám cháy rừng lớn trong nhiều ngày, nhất là khi không có đủ nước, nhân lực và phương tiện để dập tắt lửa.
Chiến tranh không phải là hiện tượng phổ biến, thường xuyên. Tuy nhiên các cuộc chiến tranh thường có sức tàn phá ghê gớm. Ở Việt Nam, từ 1945 cho đến nay mất khoảng hơn 2 triệu hecta. Nhiều vùng rừng bị chất độc hoá học tàn phá đến nay vẫn chưa mọc lại được.
Nói tóm lại, có năm nguyên nhân chính gây mất rừng là lấy đất, lấy gỗ, lấy củi, cháy rừng và chiến tranh. Trong đó mất rừng do cháy và chiến tranh là sự mất mát phi lý nhất, vì nó chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho con người. Việc phá rừng lấy đất, lấy gỗ, củi bừa bãi thực tế chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một số cá nhân nào đó. Cái lợi mà việc làm đó đem lại nhỏ hơn nhiều so với cái hại mà nó gây ra. Vì mất rừng là trái đất mất cỗ máy sản xuất ôxy, động vật mất nơi cư trú, nhiều loại cây quí, lâu năm bị tuyệt giống, lũ lụt và hạn hán trở nên trầm trọng hơn... Hy vọng rằng bằng việc áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên đất, rừng, tăng cường trồng và bảo vệ rừng, diện tích rừng trên trái đất sẽ không bị giảm có thể tăng lên.