3.1- Kiến nghị với Nhà nước, với các Bộ ngành quản lý, cơ quan có liên quan.
Nhà nước cần đưa ra chính sách phát triển kinh tế hợp lý, cần phải giảm thiểu những đột biến xuất hiện trong môi trường kinh tế làm ảnh hưởng xấu cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh tế nói chung và các NHTM nói riêng, gây thiệt hại cho các ngân hàng, chủ đầu tư và toàn nền kinh tế .
Nhà nước phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động ngân hàng nói chung và quy chế thẩm định dự án nói riêng là yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay. Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thông các văn bản pháp quy để có đầy đủ khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc thực hiện luật ngân hàng, đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, năng động, an toàn. Một điều cần chú trọng ở đây là pháp luật được tạo ra cần phải hướng vùng ảnh hưởng về cả hai phía tham gia quan hệ tín dụng.
Cần điều chỉnh một số vấn đề liên quan tới hoạt động tín dụng ngân hàng và các vấn đề phát sinh chưa được giải quyết do chưa có quy định cụ thể.
Kiến nghị chính phủ có văn bản cụ thể quy định rõ trách nhiệm của các bên đối với các kết quả tín dụng trong nội dung dự án. Chính phủ nên có các quy định từng bước về mở rộng quyền và trách nhiệm thẩm định dự án cho từng đối tượng thường xuyên liên quan tới thẩm định dự án như ngân hàng, Bộ thương mại, Bộ KH& ĐT, …
Thường xuyên tiến hành thanh tra giám sát các hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Chính phủ cần sắp xếp lại các doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và thực sự cần thiết, tạo điều kiện cho đầu tư tín dụng có trọng điểm và mang lại kết quả cao. Cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước để nâng cao trách nhiệm tính tự chủ và chất lượng quản lý của các doanh nghiệp nhà nước.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập trong nền kinh tế, đặc biệt là kiểm toán độc lập vì đây là nơi cung cấp thông tin khá chính xác cho công tác thẩm định dự án. Để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán, trước mắt cần có sự
thống nhất giữa các công ty kiểm toán Việt Nam, cụ thể hoá các chuẩn mực kiểm toán sao cho phù hợp với hoạt động kiểm toán trong nước và trên thế giới. Nhà nước cần phải quy định các báo cáo tài chính cần phải có kiểm toán và phải gắn trách nhiệm của kiểm toán viên với sự chính xác của kết quả kiểm toán.
Nhà nước cần có một số biện pháp bảo đảm an toàn vốn cho các ngân hàng khi cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn. Chẳng hạn như khi doanh nghiệp phá sản thì vốn vay ngân hàng cần được ưu tiên trả trước.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm phòng ngừa rủi ro và trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để góp phần bảo đảm an toàn cho hoạt động của các ngân hàng, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho hệ thống ngân hàng.
Các bộ chủ quản như Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục thống kê hàng năm cần hệ thống hoá thông tin liên quan đế lĩnh vực mà mình quản lý và công bố công khai những thông tin này để giúp các ngân hàng thương mại cũng như các thành phần kinh tế thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin.
Hơn nữa trước khi được thẩm định tại ngân hàng, các dự án đầu tư đã được tiến hành thẩm định tại các bộ quản lý ngành, bộ kế hoạch đầu tư, UBND tỉnh… Đối với các cơ quan này, vấn đề cần thiết là phải thẩm định một cách cẩn thận để ngân hàng lấy đó làm căn cứ cho công việc thẩm định của mình.
3.2- Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.
Hệ thống các NHTM đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đặc biệt là trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Việc đẩy mạnh hơn nữa việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, kiện toàn và củng cố lại, tập trung phát triển theo định hướng của ngân hàng về vai trò chủ đạo của ngân hàng quốc doanh là rất cần thiết nhằm tạo ra sự hiệu quả và tính ổn định trong hoạt động kinh doanh của các NHTM nói chung và của Ngân hàng TMCP Quân Đội nói riêng.
NHNN cần xây dựng các quy trình thẩm định dự án đối với từng loại dự án nói chung bằng cách hệ thống hoá những kiến thức cơ bản về thẩm định dự án đầu tư để các ngân hàng trong hệ thống có cơ sở để thiết lập riêng cho mình quy trình thẩm định đối với từng loại dự án. Tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu, thông tin phục vụ
cho công tác thẩm định. NHNN phải thường xuyên cung cấp thông tin tín dụng và các định hướng mới về đầu tư cho các ngân hàng.
Mỗi ngân hàng nên thành lập một bộ phận chuyên trách để thu thập thông tin nhằm phục vụ cho công tác thẩm định dự án. Kiến nghị với NHNN là nên mở rộng phạm vi cung cấp thông tin của trung tâm thông tin tín dụng (CIC), đồng thời cung cấp các thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật… có liên quan đến công tác thẩm định dự án.
NHNN cần xây dựng những chiến lược phát triển thích hợp hơn nữa cho toàn ngành, đảm bảo sự phát triển công bằng giữa các ngân hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác hoạt động giữa các ngân hàng đối với những dự án quy mô lớn, điều này sẽ giúp tận dụng được những lợi thế của mỗi ngân hàng trong công tác thẩm định dự án đầu tư.
NHNN nên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm thẩm định dự án giữa các ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng có thể học hỏi được những điểm mạnh của ngân hàng bạn. NHNN nên thường xuyên tổ chức hội thi cán bộ thẩm định giỏi trên toàn hệ thống.
3.3 -Kiến nghị với Ngân hàng TMCP Quân Đội.
Ngân hàng TMCP Quân Đội cần phải thành lập một tổ chức chuyên trách việc thu thập và xử lý thông tin, sau đó sẽ tiến hành phân loại thông tin và lưu trữ để có thể cung cấp các thông tin kịp thời ch cán bộ thẩm định, đảm bảo cho hoạt động thẩm định dự án được tiến hành hiệu quả. Ngoài ra Ngân hàng cần cố gắng đưa ra một số chỉ tiêu tài chính cơ sở để cán bộ thẩm định so sánh, đánh giá. Đây là những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng thẩm định. Ngân hàng cần xây dựng các số liệu tổng hợp từ các dự án đã thực hiện để những nhân viên trẻ, mới vào có cơ sở so sánh, đánh giá cũng như là để tham khảo, học hỏi…
Ngân hàng tiếp tục xây dựng phương án nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự làm công tác thẩm định. Ngân hàng có kế hoạch bố trí, sắp xếp, tuyển dụng những cán bộ làm công tác thẩm định trong toàn hệ thống. Có kế hoạch đào tạo, hỗ trợ đào tạo cán bộ thẩm định cho các chi nhánh. Ngoài ra cần phải chú trọng tới vấn đề tuyển nhân viên mới. Trong công tác thẩm định, đòi hỏi phải có trình độ kiến thức cao về tài chính – ngân hàng
và tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Vì thế, Ngân hàng cần áp dụng các biện pháp tiên tiến trong tuyển dụng. Ngân hàng nên đánh giá nhân viên trên cơ sở năng lực trí tuệ của bản thân nhân viên đó. Ngân hàng cần coi trọng khả năng làm việc của ứng cử viên trong tương lai, khi họ đã có kinh nghiệm chứ không phải khả năng làm việc ở hiện tại. Điều này sẽ giúp Ngân hàng có thêm được những nhân viên có năng lực, nhiệt tình với công việc.
KẾT LUẬN
Vốn luôn là điều kiện để làm nên sự phát triển kinh tế. Vì vậy để cho nền kinh tế phát triển thì chúng ta phải giải quyết được vấn đề về vốn, muốn vậy chúng ta phải biết huy động tối đa nguồn vốn có thể huy động được, từ trong nước, ngoài nước, và nhất là một bộ phận không nhỏ từ dân cư. Ngân hàng là cầu nối hiệu quả trong việc huy động vốn, nhưng để vốn phát huy tác dụng một cách triệt để thì vai trò của bộ phận trung gian trung chuyển vốn là ngân hàng phải làm cho vốn đi vào chỗ cần chỗ trũng. Vì vậy thẩm định dự án cho vay vốn là rất quan trọng, kể cả phương pháp và giải pháp để thực hiện việc thẩm định, nếu như thẩm định vốn không chắc chắn hiệu quả thì vốn sẽ gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế, mà bắt nguồn là từ sự bất ổn của Ngân hàng, dẫn đến sự xáo trộn trong các thành phần kinh tế. Ngân hàng TMCP Quân Đội là một ngân hàng trẻ đang trên đà phát triển, khẳng định uy tín, chứng minh hoạt động kinh doanh có hiệu quả của nước ta, và là đầu mối cho vay vốn các thành phần kinh tế lớn, mũi nhọn trong nền kinh tế, do vậy hoạt động thẩm định và cho vay vốn ở Ngân hàng này luôn được chú trọng, và quan tâm.
Trong thời gian thực tập tại phòng đầu tư và Quản lý dự án, em nhận thấy rằng công tác thẩm định dự án có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động của các ngân hàng nói riêng. Do vậy, tìm ra được các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cho quá trình thẩm định là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng nhờ có sự giúp đỡ tận tình của Thạc sỹ Trần Mai Hoa, và các anh chị phòng ĐT&QLDA nên em đã tìm ra được một số vấn đề và biện pháp giải quyết. Điều đó đã giúp em tích luỹ thêm kiến thức
cho bản thân và rất cần thiết cho em trong thời gian sắp tới. Nhưng với hiểu biết hạn hẹp và thời gian không cho phép chắc chắn chuyên đề của em sẽ có những sai sót, do vậy, em rất mong nhận được góp ý chân thành của các thầy cô.
Cuối cùng, cho phép em gửi lời cám ơn chân thành nhất đến Giáo viên hướng dẫn Trần Mai Hoa, và các anh, chị phòng ĐT&QLDA đã giúp đỡ em hoàn thành chuyên đề này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Quy trình nghiệp vụ thẩm định tín dụng của Ngân hàng TMCP Quân Đội - Báo cáo thường niên năm 2003 - Ngân hàng Quân Đội.
- Báo cáo thường niên năm 2004 - Ngân hàng Quân Đội. - Báo cáo thường niên năm 2005 - Ngân hàng Quân Đội
- Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đóng tàu hàng khô 22.500DWT của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam.
- Tờ trình thẩm định dự án đóng tàu hàng khô 22.500DWT của phòng ĐT&QLDA.
- Hồ sơ vay vốn của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam. - Điều lệ hoạt động của Ngân hàng Quân Đội.