- Đối với người lao động: Người lao động có động lực lao động cao sẽ luôn có gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Họ luôn tìm tòi, học hỏi và tự hoàn thiện các kỹ năng của bản thân để có thể đáp ứng tốt nhất cho công việc hiện tại và phấn đấu cho các vị trí công việc cao hơn trong tương lai. Như vậy, tạo động lực lao động chính là giúp người lao động có thể thỏa mãn các cấp bậc nhu cầu của họ tới bậc cao nhất: nhu cầu hoàn thiện bản thân.
- Đối với doanh nghiệp: Tạo động lực lao động tốt khiến hiệu quả công việc được tăng lên đáng kể do tiến bộ của các kỹ năng cũng như tinh thần làm việc của người lao động. Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp có thể tăng tối đa lợi nhuận thu về, tạo cơ sở để tiếp tục tạo động lực cho người lao động. Quá trình này như một vòng quay giúp cho doanh nghiệp ngày càng phát triển và lớn mạnh.
Ngoài các lợi ích về kinh tế có thể nhìn thấy ngay được, tạo động lực lao động tốt còn gia tăng sự trung thành của người lao động với tổ chức, với doanh nghiệp. Người lao động gắn bó với công việc, với môi trường làm việc, với đồng nghiệp… sẽ giảm thiểu tình trạng rời bỏ tổ chức. Điều đó cũng có nghĩa là công ty sẽ luôn gìn giữ được một nguồn nhân lực tốt cả về số lượng và chất lượng, có thể đáp ứng được các mục tiêu chung một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Nguồn lực con người luôn là nguồn lực quan trọng nhất trong quá trình lao động xã hội nói chung và quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Người lao động trung thành với tổ chức sẽ giúp tổ chức đó có được một lợi thế cạnh tranh sắc bén so với các doanh nghiệp khác. Nắm chắc và sử dụng triệt để nguồn lực con người chính là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp.
- Đối với xã hội: Tạo động lực lao động tốt khiến hiệu quả lao động tại các doanh nghiệp tăng, đồng thời cũng gia tăng hiệu quả lao động xã hội. Lợi nhuận các doanh nghiệp càng lớn thì nguồn thu thuế của Nhà nước cũng càng phát triển thêm. Nhà nước có thêm các nguồn kinh phí để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích xã hội chung, nâng cao đời sống của người dân.
Tạo động lực lao động tốt cũng đồng nghĩa với việc người lao động được doanh nghiệp chăm lo đầy đủ về tất cả các mặt của cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần, giảm thiểu các bệnh nghề nghiệp cũng như giảm thiểu gánh nặng cho xã hội.
Kết luận chung: Tạo động lực lao động là một hoạt động vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong các doanh nghiệp. Nó là cơ sở để các doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh một các bền vững trong nền kinh tế thị trường đầy biến động hiện nay. Công tác tạo động lực liên quan tới rất nhiều vấn đề trong tổ chức, là một quá trình phức tạp và lâu dài. Tuy nhiên, nếu tạo động lực lao động tốt sẽ mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người lao động và toàn xã hội.
CHƯƠNG II: