Khái niệm chân lý:

Một phần của tài liệu HƯỚNG DẪN ÔN TẬP TRIẾT HỌC MÁCLÊNIN (Trang 39 - 40)

I. Nội dung quy luật:

1.Khái niệm chân lý:

- Chân lý là những tri thức về thế giới khách quan được phản ánh vào bộ óc người, có nội dung phù hợp với hiện thực do nó phản ánh và đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

- Chân lý bao giờ cũng là chân lý khách quan. Chân lý khách quan là những tri thức mà nội dung của nó không phụ thuộc vào ý thức của con người.

- Chân lý là một quá trình, vì tiêu chuẩn của chân lý là thực tiễn và còn vì nhận thức của con người là một quá trình.

2. Chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối.

- Chân lý tuyệt đối là những tri thức có nội dung đúng và phù hợp hoàn toàn với hiện thực mà nó phản ánh. Có chân lý tuyệt đối vì con người hoàn toàn có khả năng nhận thức đúng đắn về thế giới khi có đầy đủ các điều kiện.

- Chân lý tương đối là tri thức đúng nhưng chưa phù hợp hoàn toàn với hiện thực khách quan do nó phản ánh. Sự phù hợp giữa nội dung của nó đối với khách thể được phản ánh là sự phù hợp bộ phận, ở một số mặt nhất định.

+ Tính tương đối của chân lý biểu hiện ở chỗ nó phản ánh sự vật tồn tại trong một phạm vi có giới hạn, trong những điều kiện xác định về không gian và thời gian, vì con người hoàn toàn có khả năng nhận thức được thế giới nhưng không phải nhận thức diễn ra một lần là xong mà là quá trình đi từ chưa biết đầy đủ đến biết đầy đủ hơn về sự vật và hiện tượng.

3. Quan hệ biện chứng giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối.

- Chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối đều là chân lý khách quan. - Chân lý tuyệt đối là tổng vô hạn các chân lý tương đối.

- Trong mỗi chân lý tương đối mặc dù là tương đối nhưng bao giờ cũng có những yếu tố của chân lý tuyệt đối.

- Sự khác biệt giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối không thuộc về bản chất mà ở mức độ phù hợp giữa chúng với khách thể. Sự khác biệt đó về mức độ phù hợp giữa chúng với khách thể bao giờ cũng tồn tại, nhưng thường xuyên được xóa bỏ trong quá trình tiến lên vô hạn của nhận thức.

- Khi thừa nhận sự thống nhất giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối, điều đó cũng có nghĩa là sự thừa nhận tính cụ thể của chân lý.

4. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý:

- Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý. Nhờ thực tiễn, chúng ta phân biệt được chân lý và sai lầm.

- Thực tiễn có vai trò như vậy, vì nó có ưu điểm của “tính phổ biến” và là “hiện thực trực tiếp”, nhờ đó mà thực tiễn có thể “vật chất hóa’ được tri thức, biến các tri thức thành các khách thể vật chất có tính xác thực cảm tính.

- Tiêu chuẩn thực tiễn vừa mang tính tuyệt đối vừa mang tính tương đối. Tuyệt đối vì nó là tiêu chuẩn khách quan duy nhất; tương đối vì bản thân thực tiễn luôn luôn biến đổi, phát triển. Sự biến đổi này dẫn đến chỗ tiếp tục bổ sung, phát triển những tri thức đã có trước đó.

Một phần của tài liệu HƯỚNG DẪN ÔN TẬP TRIẾT HỌC MÁCLÊNIN (Trang 39 - 40)