- Hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiễn của phương pháp Graph trong dạy học, làm tư liệu cho giáo viên trong việc nghiên cứu tổ chức hoạt động học tập tích cực, tự lực của học sinh thông qua phương pháp Graph kiến thức.
- Kết quả khảo sát thực trạng việc dạy môn Công nghệ 11 ở trường THPT Võ Trường Toản cho thấy, phần lớn học sinh chưa cập nhật những kiến thức cơ bản về lý thuyết Graph, việc sử dụng Graph trong dạy học Công nghệ còn nhiều bất cập. Cụ thể, tỷ lệ giáo viên chưa hiểu rõ về lí thuyết Graph chiếm 66,67% (4/6GV), tỉ lệ giáo viên hiểu được Graph chỉ chiếm 33,33% (2/6GV). Hầu hết GV không sử dụng lí thuyết Graph trong giảng dạy công nghệ 11 chiếm tỉ lệ 83,33%.
- Xây dựng được quy trình sử dụng Graph vào dạy kiến thức Công nghệ 11. Đồng thời xác định được việc xây dựng Graph cần phải dựa trên mối quan hệ logic giữa các thành tố của một hệ thống, phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính thẩm mĩ và tiện ích.
- Qua hai bài giảng bằng phương pháp dạy học Graph, người nghiên cứu nhận thấy dạy học bằng phương pháp này mang lại hiệu quả của tiết học theo hướng tích cực hóa người học. Học sinh hứng thú hơn khi tự bản thân người học tìm ra kiến thức mới và hiểu bài hơn so với phương pháp dạy học truyền thống. Dạy học bằng phương pháp Graph, người giáo viên giữ vai trò là người hướng dẫn học sinh khám phá kiến thức mới, còn học sinh đóng vai trò trung tâm trong quá trình học tập. Tiết học giúp học sinh mau hiểu bài hơn, hình thành các kỹ năng như làm việc nhóm, phân tích logic, thuyết trình…
- Kết quả thực nghiệm sư phạm chứng tỏ hiệu quả của việc sử dụng Graph vào dạy học môn Công nghệ 11 có những ưu điểm sau:
+ Nội dung kiến thức được mô hình hóa bằng ngôn ngữ trực quan, đây là điểm tựa cho sự ghi nhớ và tái hiện kiến thức của học sinh.
+ Rèn luyện cho học sinh cách tự học, năng lực tư duy khái quát hóa, quan điểm nhìn nhận các sự vật hiện tượng trong thực tế, khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt trong cuộc sống.
+ Tạo được sự hứng thú cho học sinh khi tham gia học tập bằng hình thức dạy học Graph, thể hiện qua nét mặt vui tươi, không khí học tập sôi nổi, tập trung chú ý tốt đến việc thảo luận, khám phá tìm ra Graph sơ đồ hệ thống hóa kiến thức, các em khá tự tin khi lên bảng trình bày, chú ý vào bài thuyết trình của nhóm, thể hiện thái độ tích cực trong việc đóng góp ý kiến bổ sung. Chính vì thế, phương pháp dạy học Graph là một trong những phương pháp dạy học mang lại nhiều hiệu quả cao trong dạy và học môn Công nghệ 11.