3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
3.4. Mối quan hệ giữa sự phát triển tâm lý và biểu tượng về học đường ở trẻ khiếm thính 13-17 tuổi
thính 13 - 17 tuổi
3.4.1. Sự hình thành biểu tượng ở trẻ khiếm thính
Như đã biết, BT là những hình ảnh cảm tính - trực quan khái quát những sự vật, hiện tượng của hiện thực, vào thời điểm đó không tác động lên các giác quan của chúng ta. Chúng phản ánh những sự vât, hiện tượng mà con người đã tri giác trước đây. Do đó, nếu thiếu các hình ảnh tri giác, không thể xuất hiện các BT. Trong khi đó, hoạt động tri giác của trẻ khiếm thính lại thiếu hụt nghiêm trọng: Trước hết, trẻ không có hoặc có nhưng hạn chế các tri giác về âm thanh, tiếng động, âm nhạc; vì vậy, một cách tự động, trẻ đã mất đi một mảng những hình ảnh tri giác của cuộc sống. Ngoài ra, sự cản trở về mặt thính giác còn khiến trẻ gặp khó khăn và trở ngại trong việc tri giác các sự vật, hiện tượng thuộc nhóm khác.
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, khi tri giác thính giác bị thiếu hụt, thì đồng thời ở trẻ, những loại cảm giác, tri giác khác tỏ ra nhạy cảm hơn. Chẳng hạn đối với trẻ khiếm thính, cảm giác thị giác có vai trò đặc biệt - là phương tiện chủ yếu và chủ đạo trong việc nhận thức thế giới xung quanh và nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thị giác của trẻ khiếm thính không kém so với trẻ nghe rõ; thậm chí nó còn tích cực và tinh nhạy hơn. Bởi vậy, trẻ khiếm thính thường để ý từng chi tiết nhỏ của thế giới xung quanh mà trẻ bình thường không mấy khi chú ý tới. Ở trẻ khiếm thính, dạng tri giác phân tích trội hơn dạng tổng hợp. Bên cạnh đó, những tri giác, hình ảnh có được do xúc giác, vận động ở trẻ
khiếm thính cũng hết sức quan trọng. Trong đó, cảm giác xúc giác - rung là đặc thù và độc đáo nhất.
Tuy nhiên, do ngôn ngữ và sự giao tiếp bình thường với thế giới những người nghe rõ bị huỷ hoại nên việc thu nhận kinh nghiệm xã hội đối với trẻ khiếm thính là cực kỳ khó khăn. Tài liệu nhận thức mênh mông mà trẻ bình thường thu nhận một cách tự phát, tự nhiên và tương đối dễ dàng thì trẻ khiếm thính chỉ tiếp thu được với điều kiện giáo dục đặc biệt và những nỗ lực nghiêm túc của ý chí. Bởi vậy, việc giữ gìn và tái tạo lại những kết quả của tác động qua lại với thế giới bên ngoài - quá trình hình thành BT - ở trẻ khiếm thính cần đến sự kịp thời bổ sung nhiều thông tin có chất lượng tốt.
Thậm chí, khi đã xây dựng được BT thì sự hạn chế giao tiếp của trẻ khiếm thính với người lớn và những đứa trẻ nghe rõ cùng độ tuổi đã làm trẻ mất đi một khối lượng thông tin cần thiết và mất đi những hiểu biết về các thủ thuật, cách thức xây dựng lại những BT đã có.
3.4.2. Biểu tượng về học đường ở trẻ khiếm thính 13-17 tuổi
Nếu sự hình thành BT nói chung ở trẻ khiếm thính đã gặp rất nhiều khó khăn thì sự hình thành và phát triển những BT về học đường của các em còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi thứ nhất, như đã đề cập nhiều lần trong những phần trước, sự thiếu hụt hoặc suy yếu một cơ quan giác quan ảnh hưởng đến khả năng cảm giác, tri giác, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động giao tiếp, học tập, sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội. Thứ hai, thông thường, nếu đã đến trường, các em thường được giáo dục trong môi trường đặc biệt, như một hệ quả của khuyết tật của mình. Do đó, quá trình hình thành BT về môi trường ấy, tất nhiên, cũng có những nét đặc thù. Thứ ba, trong thế giới của trẻ khiếm thính, ngôn ngữ là một địa hạt bí ẩn và nhiều khó khăn: Hầu như tất cả trẻ khiếm thính, hoặc là không thể, hoặc là bị cản trở trong việc học ngôn ngữ nói, do chúng không nghe được hoặc nghe kém tiếng nói của người xung quanh nên không bắt chước được
tiếng nói. Khi vào trường, lần đầu tiên trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ viết. Thông thường, người ta quan niệm ngôn ngữ viết phức tạp và trừu tượng hơn ngôn ngữ nói, thì ở trẻ khiếm thính lại xảy ra tình huống ngược lại. Ở trẻ khiếm thính, ngôn ngữ cử chỉ cũng là một công cụ giao tiếp quan trọng.
Những khác biệt về mặt tâm lý như vậy ở trẻ khiếm thính, ắt phải dẫn đến những khác biệt lớn trong BT của trẻ về học đường, so với trẻ bình thường.
Ở độ tuổi 13-17, có thể trẻ bình thường đã học đến lớp 6, lớp 7. Song trẻ khiếm thính thường học chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Do đó, sự phát triển tâm lý, kiến thức, mức độ tri thức, các kinh nghiệm lịch sử - xã hội loài người mà trẻ khiếm thính lĩnh hội được, nói chung, thường hạn chế so với trẻ bình thường. BT của trẻ khiếm thính về học đường, do đó, mà cũng khác biệt so với trẻ bình thường cùng tuổi.
Học tập trong một môi trường tương đối đặc biệt, với những mối quan hệ liên nhân cách đặc biệt và những công cụ đặc biệt của giao tiếp, trẻ có những quan điểm, thái độ, niềm tin riêng về môi trường ấy, cũng như chúng có một hệ thống giá trị riêng cho bản thân.
Về chức năng của nhà trường, ngoài những chức năng tương tự như đối với bất cứ một trẻ bình thường nào, thì đối với trẻ khiếm thính, nhà trường là nơi tối quan trọng trong việc cung cấp cho các em những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, những kinh nghiệm xã hội. Bởi trẻ bình thường, nếu không học ở trường cũng có thể tham khảo, học tập ở nhiều môi trường khácủa. Còn đối với trẻ khiếm thính, nhà trường gần như là môi trường duy nhất dạy kiến thức cho chúng theo cách thức phù hợp với chúng. Nhà trường cũng là nơi mà chúng có thể phát triển những mối quan hệ liên nhân cách với những người hiểu chúng và ít khác biệt chúng nhất. Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng khi trẻ khiếm thính chơi với bạn bè trong trường của mình, các em tỏ ra hoàn toàn lạc quan, thoải mái, yêu đời. Và một nhóm trẻ khiếm thính với nhau, bao giờ cũng có một số ước hiệu,
cử chỉ, kiểu ngôn ngữ chung… Đôi khi người bình thường nhìn trẻ, có thể cảm thấy các em như đang sống trong một thế giới riêng của mình.
Tương tự, về người giáo viên, trẻ khiếm thính coi giáo viên là người giám sát, người tổ chức lớp, cung cấp cho chúng những kiến thức cần thiết theo một phương thức dễ chịu và phù hợp với chúng. Sợi dây liên hệ tình cảm giữa trẻ bình thường và giáo viên vốn đã đặc biệt, thì ở trẻ khiếm thính càng đặc biệt hơn. Bởi lẽ ngoài toàn bộ những gì thuộc về nhân cách của người thầy giáo, thì việc giáo viên đáp ứng được hay không những yêu cầu về giáo dục trẻ khiếm thính, cũng góp phần xây dựng nên BT về giáo viên ở các em.
Hoạt động học tập có lẽ là khó khăn nhất đối với trẻ khiếm thính. Một mặt, các em ham học hỏi và rất có ý chí vươn lên. Song mặt khác, do sự thiếu hụt và khó khăn trong tiếp thu kiến thức so với bạn bè bình thường cùng lứa tuổi, các em cũng dễ sinh ra cảm giác tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng đến BT về học tập ở các em.
Môi trường học đường, đối với trẻ khiếm thính, còn có ý nghĩa như một nơi hướng nghiệp và dạy nghề. Trẻ khiếm thính thường nghĩ đến và giải quyết sớm vấn đề này hơn so với trẻ nghe rõ. Và thông thường, các em thường định hình những nghề nghiệp phù hợp với mình trong khu vực những nghề thực tế, có tính ứng dụng, sử dụng nhiều cơ quan thị giác và những hoạt động thiên về tính cụ thể, khéo léo.
Như vậy, BT về học đường của trẻ khiếm thính, do những đặc trưng về tâm lý của các em, mà có những nét đặc thù, so với BT về học đường nói chung ở trẻ bình thường. Tìm hiểu khía cạnh này, không chỉ để hiểu trẻ, mà còn nhằm mục đích đề ra những phương thức giáo dục phù hợp hơn, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của khuyết tật đối với trẻ.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ