Các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Một phần của tài liệu Suy thoái kinh tế và chính sách kích cầu của Chính phủ Việt Nam (Trang 32 - 35)

II. Những ảnh hưởng tới Việt Nam.

1. Các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đầu năm 2009, Việt Nam đã kịp thời triển khai chính sách kích cầu. Cụ thể, Chính phủ đã dùng quỹ tài chính lớn, trực tiếp chi cho các hoạt động kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

- Ngày 15/01/2009, Chính phủ đã quyết định các phương án sử dụng khoản kích cầu 1 tỷ USD (17.000 tỷ VND) để hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay cho các khoản vay ngắn hạn trong thời gian tối đa là 8 tháng, kết thúc vào ngày 31/12/2009. Đối tượng được hưởng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sử dụng không quá 300 công nhân, không có nợ đọng thuế và không có nợ tín dụng quá hạn.

- Ngày 04/04/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn và sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng, với tổng số lãi hỗ trợ là 20.000 tỷ VND. Việc hỗ trợ lãi suất này được thực hiện từ ngày 01/04/2009 đến hết ngày 31/12/2011. Gói kích cầu thứ hai này có quy mô lớn hơn, thời hạn dài hơn (tới 2 năm), điều kiện nới lỏng hơn (doanh nghiệp và cả hợp tác xã có vốn dưới 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 500 lao động, có thể nợ thuế và tín dụng quá hạn nhưng có dự án phù hợp vẫn được xét cho vay) và lĩnh vực cho vay cũng được mở rộng hơn.

- Chính phủ cũng thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị duy nhất được giao thực hiện giải pháp bảo lãnh tín dụng cho đối tượng là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. VDB có thể đảm bảo 100% khoản vay bằng USD hay VND. Những doanh nghiệp có vốn điều lệ 20 tỷ VND tương đương 1,1 triệu USD với số lao động sử dụng không quá 500 người mới đủ điều kiện tham gia vào chương trình này. Doanh nghiệp không được phép có khoản nợ ngân hàng hay nợ thuế nào quá hạn. Không giống như chương trình hỗ trợ lãi suất, VDB có toàn quyền quyết định doanh nghiệp nào sẽ được nhận bảo lãnh tín dụng.

- Chính phủ thực hiện miễn, giảm, giãn một số loại thuế, và kéo dài thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu, ước tính có khoảng 28.000 tỷ đồng để kích cầu nhờ thực hiện chính sách giảm thuế. Giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với 19 nhóm mặt hàng tiêu thụ nội địa (Quyết định 16/2009/QĐ-TTg) và hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng đầu năm 2009. Tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào khi chưa có chứng từ và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán. Giãn thời hạn nộp thuế GTGT đến 180 ngày đối với hàng nhập khẩu là thiết bị, máy móc trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp. Đối với thuế nhập khẩu, thực hiện giảm thuế cho nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào và hàng tiêu dùng.

- Để thực hiện chính sách kích cầu, Chính phủ đã cho phép giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của quý IV/2008 và cả năm 2009 của DN nhỏ và vừa. Đồng thời, giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian 9 tháng của năm 2009 đối với thu nhập

từ các hoạt động: sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch, kinh doanh lương thực, phân bón,...

- Đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ, nhất là ở vùng sâu vùng xa để cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu.

- Về chính sách tài chính, tiền tệ, sẽ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. Tiếp tục hạ lãi suất cơ bản và cho phép các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng nhân dân cho vay theo lãi suất thỏa thuận.

- Chính phủ sẽ điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ theo nguyên tắc linh hoạt, nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

2. Cơ cấu gói kích cầu 8 tỷ USD của chính phủ Việt Nam.

Gói kích cầu tương đương 8 tỷ USD được chia thành 8 phần có các giá trị khác nhau. Cụ thể các phần của gói kích cầu này bao gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17.000 tỷ đồng.

Thứ hai, tạm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước khoảng 3.400 tỷ đồng.

Thứ ba, ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện một số dự án cấp bách khoảng 37.200 tỷ đồng.

Thứ tư, chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2008 sang năm 2009 khoảng 30.200 tỷ đồng.

Thứ năm, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ khoảng 20.000 tỷ đồng. Thứ sáu, thực hiện chính sách giảm thuế khoảng 28.000 tỷ đồng.

Thứ bảy, tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp khoảng 17.000 tỷ đồng (không phải là khoản chi).

Thứ tám, các khoản chi kích cầu khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội khoảng 7.200 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nguồn lực sử dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam là rất lớn, nếu tính thêm cả 17.000 tỷ đồng tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho DN thì tổng giá trị các gói kích cầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay lên đến 160.000 tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP của Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Suy thoái kinh tế và chính sách kích cầu của Chính phủ Việt Nam (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(63 trang)
w