Ta không thể bị động trông chờ các đối tác đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm và lựa chọn đối tác để chuyển giao công nghệ và hợp tác kinh doanh, sản xuất linh phụ kiện. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các quốc gia cạnh tranh hết sức sôi động, càng đi chậm sẽ càng mất lợi thế. Chủ động tìm kiếm đối tác thông qua các kênh thông tin khác nhau từ Internet, phòng thương mại và công nghiệp, các nhà sản xuất ô tô có liên quan sẽ có thể sớm tìm ra đối tác thích hợp cho mình.
Chính phủ cần phải có biện pháp để các công ty nhà nước trong lĩnh vực này tăng khả năng cạnh tranh bằng các biện pháp tích cực, tiếp nhận sự chi viện về công nghệ từ nước ngoài, liên doanh hợp tác với các công ty nước ngoài nhất là đối với các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Đây là những
công ty có trình độ kỹ thuật cao và có bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực này, qua đó các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ những xí nghiệp này. Có như vậy thì các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cho ô tô Việt Nam mới có thể tăng khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải huy động mọi nguồn lực khoa học công nghệ trong nước kết hợp với thu hút chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài làm động lực để phát triển khoa học công nghệ của ngành ô tô Việt Nam. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần phải chủ động mời gọi, thu hút đầu tư vào doanh nghiệp mình để nâng cao trình độ quản lý và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng nên đầu tư thay thế các thiết bị máy móc đã lạc hậu bằng hệ thống thiết bị tiên tiến, hiện đại hơn để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Có thể nói đầu tư lâu dài vào phát triển công nghệ chính là chiến lược đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.