Phân tích ở phần trên cho thấy quỹ đạo phát triển của Việt Nam gần giống với quỹ đạo của các nước Đông Nam Á hơn là các nước Đông Á. Sự thực là trong một số khía cạnh nhất định, Việt Nam thậm chí còn đang tiến gần tới vết xe đổ của các nước Đông Á và Đông Nam Á trước thời kỳ khủng hoảng 1997-1998 và của Trung Quốc hiện nay. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam cần nhìn nhận những xu thế này như những lời cảnh báo cấp thiết về nhu cầu phải có những thay đổi chính sách thực sự. Mặc dù có những tín hiệu không khả quan nhưng điều đó không có nghĩa là quỹ đạo phát triển của Việt Nam trong tương lai là một điều gì đó có tính “định mệnh”, không thể thay đổi được. Việt Nam có nhiều thuận lợi so với Thái-lan, In-đô-nê-xia, Phi-líp-pin, trong số những thuận lợi này phải kể đến tính gắn kết xã hội cao và truyền thống văn hóa mạnh mẽ, trong đó bao gồm cả tính hiếu học và tinh thần chuộng cái mới. Việt Nam không bị chia rẽ vì những lý do dân tộc hay tôn giáo mà nhiều nước Đông Nam Á là nạn nhân. Với những thuận lợi to lớn này, có lẽ hơn ai hết, Việt Nam ở vị thế có thể tự kiểm soát được vận mệnh kinh tế của mình.
Một trong những nhận định của bài phân tích này là những chính sách Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới đã trở nên tương đối rõ ràng. Nhiều nước đi trước cũng đã từng gặp phải những thách thức của Việt Nam hiện nay, và điều đó có nghĩa là, bài học từ sự thành công hay thất bại của những nước này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho Việt Nam. Rõ ràng là rào cản lớn nhất trên con đường phát triển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á không phải là những khó khăn mang tính kỹ thuật, mà là quyết tâm chính trị. Chính sách đất đai là một ví dụ cụ thể. Nhà nước có thể sử dụng thuế bất động sản để chống đầu cơ, giảm giá đất, đồng thời tăng ngân sách quốc gia. Thế nhưng đến thời điểm này, Luật thuế bất động sản sau một số lần bị trì hoãn nay mới được đưa vào trong danh mục dự kiến xây dựng luật của Quốc hội Khoá XII. (Một câu hỏi nổi lên là những đại biểu dân cử trong Quốc hội và những “đầy tớ của nhân dân” trong chính phủ đang phục vụ cho lợi ích của ai, vì rằng tất cả mọi người đều thấy rằng đầu cơ trên thị trường đất đai đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, đồng thời nhà nước cũng đang cần bổ sung nguồn thu.) Nói một cách ngắn gọn, quyết tâm chính trị - được hiểu như là ý chí thực hiện bằng được những quyết sách tuy khó khăn về mặt chính trị nhờ có lợi cho quốc kế dân sinh - là chất xúc tác cần thiết cho cải cách ở Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã từng tạo được quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thay đổi sức ỳ của nguyên trạng. Đại hội Đảng VI nhất trí về nhu cầu cấp bách phải cải cách kinh tế. Vào thời điểm đó, vượt qua khủng hoảng kinh tế và bảo vệ sự tồn vong của Đảng là nhiệm vụ quan trọng số một. Từ đó đến nay, nguy cơ của khủng hoảng đã dần bị đẩy lùi, trong khi đó một số nhóm đặc quyền đặc lợi đã dần được hình thành với những mục tiêu không phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia về công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Sự đồng thuận về
cải cách của năm 1986 không còn nữa. Có vẻ như việc xây dựng một sự đồng thuận mới để đẩy mạnh cải cách và tăng trưởng chỉ khả thi khi bóng dáng của khủng hoảng đang tới gần. Chính phủ trước hết phải tự nhận thức được yêu cầu tiếp tục cải cách, để từ đó có thêm ý chí và quyết tâm chống lại những lực lượng phản đối cải cách.
Bài viết này không có ý xem nhẹ việc cải thiện năng lực có tính kỹ thuật của chính phủ. Ngày nay, chính phủ đang gặp phải một sự thiếu hụt đáng lo ngại về nguồn nhân lực và đây là một vấn đề có tính hệ thống. Từ trước đến nay, những tiêu chuẩn không liên quan nhiều đến năng lực thực sự như lòng trung thành, thâm niên, lý lịch gia đình v.v. thường được sử dụng như là những căn cứ chủ yếu trong việc tuyển dụng và cất nhắc trong hệ thống nhà nước. Vì vậy, giới trẻ Việt Nam có một cảm nhận rõ ràng rằng hệ thống nhân sự của nhà nước không trọng dụng người tài. Những hiện tượng này rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á, và hậu quả của chúng đối với sự phát triển kinh tế xã hội thì quả thực khó lường hết được. Trái lại, những hiện tượng này lại không thấy xuất hiện ở những nước Đông Á thành công nhất. Những nước này đều cố gắng sao cho những sinh viên xuất sắc nhất của các trường đại học luôn coi việc tiến thân trong hệ thống nhà nước là một trong những lựa chọn hàng đầu. Chính phủ những nước này tìm mọi cách để tuyển được người tài, sau đó trả họ một mức lương tương xứng với mức lương họ có thể nhận được ở các khu vực khác. Ở đây cũng vậy, cần có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đoạn tuyệt với sức trì kéo của nguyên trạng.
Một số tên tuổi có uy tín ở Việt Nam, trong đó bao gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Hoàng Tụy đã báo động về tình trạng tê liệt vai trò quản lý của nhà nước.66 Cả hai đều cho rằng các cơ quan của Đảng, của nhà nước, các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đang đứng trước sự xâm thực của các nhóm lợi ích lợi dụng những cơ quan, tổ chức này để làm giàu cá nhân và bành trướng ảnh hưởng. Một số vụ việc được Thanh tra chính phủ dũng cảm đưa ra ánh sáng gần đây là những minh chứng thêm cho sự thoái hoá của hệ thống quản lý và hành chính nhà nước.67 Tình trạng này cho thấy, đe dọa lớn nhất của chính phủ đến từ sự thất bại của chính nó.