Cần khẩn trương lập bộ chứng từ và nộp đầy đủ, đúng hạn theo quy định trong thư tín dụng. Cần phải xem xét bộ chứng từ cẩn thận theo quy định, nếu không sẽ bị ngân hàng từ chối thanh toán, gây khó khăn tốn kém về thời gian và chi phí để sửa đổi hoặc đàm phán lại với nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó phải trú trọng việc chỉ định ngân hàng thanh toán, ngân hàng thanh toán nên là một ngân hàng ở nước người bán để tránh tình trạng kéo dài thời gian thu tiền do việc luân chuyển chứng từ chậm hơn từ ngân hàng phục vụ người bán đến ngân hàng phục vụ người mua. Mặt khác cũng để đề phòng biến động tỷ giá (ngoại tệ/ nội tệ) khi tỷ giá giảm, và để phòng rủi do ngân hàng mở bị phá sản (rủi ro này nhìn chung ít xảy ra nhưng không phải là không có). Vì vậy, nhà xuất khẩu cần yêu cầu nhà nhập khẩu mở thư tín dụng ở ngân hàng có uy tín, nếu điều này không thực hiện được thì phải yêu
cầu mở thư tín dụng có xác nhận, xác nhận này phải của ngân hàng lớn có uy tín trên thế giới.
Kết luận
Đất nước ta đang bước vào một thời đại mới đầy cơ hội và biến động. Là một nước đi sau trên con đường mở cửa nền kinh tế, để thúc đẩy quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, thu hút nhiều hơn nữa vốn và công nghệ tiên tiến đòi hỏi các cấp, các ngành trong đó có ngành ngân hàng phải có những cải tiến để đóng góp tốt hơn cho công cuộc công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước.
Qua việc xem xét, nghiên cứu hoạt động thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Cửa Lò, em đã có một nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của nghiệp vụ này đối với đời sống kinh tế chính trị đất nước. Tăng cường hiệu quả công tác thanh toán quốc tế nói chung và thanh toán xuất nhập khẩu nói riêng có tác dụng thúc đẩy hoạt động thương mại giữa nước ta với các nước trên thế giới. Qua đó nâng cao trình độ, năng lực cũng như thu nhập cho ngân hàng. Kết hợp giữa lý luận và thực tế, bài viết đã giải quyết được một số vấn đề sau:
-Khái quát tầm quan trọng của thanh toán xuất nhập khẩu trong các quan hệ kinh tế quốc tế nói chung và thanh toán xuất nhập khẩu trong hoạt động của các ngân hàng thương mại nói riêng.
-Bên cạnh đó bài viết đề cập đến phương thức thanh toán xuất nhập khẩu để dưa ra những ưu điểm và hạn chế của mỗi phương thức.
-Vận dụng lý thuyết vào phân tích đánh giá hoạt động thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Cửa Lò. Từ đó rút ra những thành tựu, hạn chế trong hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu tại Ngân hàng, đồng thời cũng đưa ra một số kiến nghị và giải pháp để không ngừng phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt còn hạn chế.
Chuyên đề gồm có ba chương, trong đó:
Chương 1 khái quát về Ngân hàng Công thương Chi nhánh Cửa Lò, nghiên cứu về sự hình thành và phát triển cũng như cơ cấu tổ chức của ngân hàng. Từ đó giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Chi nhánh Cửa Lò.
Chương 2 giúp chuyên đề nghiên cứu về thực trạng hoạt động thanh toán quốc tế tại Ngân hàng giai đoạn 2005-2010, với việc xem xét các số liệu một cách cụ thể, chi tiết sẽ giúp ta nhận rõ thực tế về hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra trên địa bàn Cửa Lò. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra những phương hướng hoạt động đúng đắn và có tâm nhìn chiến lược về hoạt động thanh toán quốc tế tại Ngân hàng.
Chương 3 đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm phát triển hoạt động thanh toán quốc tế tai Ngân hàng Công thương Chi nhánh Cửa Lò. Trên cơ sở đó, góp phần đưa ngân hàng Công thương Chi nhánh Cửa Lò ngày càng phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các ngân hàng khác. Điều đó sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống Ngân hàng Việt Nam.