1.3.1.1. Tiềm lực tài chính:
Tiềm lực tài chính ở đây không chỉ phụ thuộc vào số lượng vốn mà doanh nghiệp có thể huy động vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà nó còn phụ thuộc vào khả năng phân phối và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn kinh doanh. Doanh nghiệp có vốn lớn mà sử dụng không có hiệu quả sẽ gây ra lãng phí vốn, làm cạn kiệt nguồn vốn nếu tình trạng đó kéo dài.
Bất kì một nội dung nào của hoạt động tiêu thụ ở trên cũng đều phát sinh chi phí, do đó có thể nói tiềm lực tài chính của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng triển khai chiến lược tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như: ở khâu lựa chọn kênh tiêu thụ sản phẩm, muốn phân phối sản phẩm của mình một cách rộng rãi thì doanh nghiệp phải tổ chức một kênh phân phối tương đối phức tạp, có thể phải cần rất nhiều trung gian hoặc đại lý như vậy sẽ tốn rất nhiều chi phí, nếu doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính mạnh thì không thể thực hiện được loại kênh này. Hay trong việc định giá sản phẩm tiêu thụ, nếu một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu thì không thể định giá thấp hơn giá thành sản phẩm trong một thời gian quá dài để cạnh tranh được.
1.3.1.2. Tiềm lực con người:
Có bốn yếu tố quan trọng không thể thiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là: vốn (C), công nghệ (T), con người (H) và thông tin (I), trong đó con người đặt ở vị trí số một bởi vì chỉ có con người
mới có thể kết hợp các yếu tố còn lại để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tiềm lực con người thể hiện ở đội ngũ nguồn nhân lực, trình độ người lao động, sự phân bổ nguồn nhân lực một cách có hiệu quả…Con người sẽ đứng ra thực hiện tất cả các hoạt động trong doanh nghiệp, trong đó có hoạt động tiêu thụ, các yếu tố còn lại chỉ là phương tiện giúp con người đạt được mục đích của mình.
1.3.1.3. Trình độ tổ chức quản lý:
Việc vạch ra định hướng, kế hoạch; sắp xếp, chỉ đạo thực hiện các công việc một cách khoa học, tiết kiệm; lãnh đạo đội ngũ công nhân viên làm việc đạt hiệu quả tối đa là thuộc về trách nhiệm của bộ máy lãnh đạo trong doanh nghiệp. Như vậy, trình độ tổ chức quản lý của các nhà lãnh đạo nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc hoạch định ra các chính sách, chiến lược, các kế hoạch cho hoạt động tiêu thụ, ảnh hưởng tới việc sắp xếp, chỉ đạo triển khai các hoạt động theo đúng kế hoạch đã đề ra do đó nó ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động tiêu thụ.
1.3.1.4. Trình độ tiên tiến của trang thiết bị, công nghệ:
Trình độ tiên tiến của trang thiết bị, công nghệ nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sản xuất sản phẩm theo thiết kế và do đó ảnh hưởng đến chất lượng, chi phí, giá thành sản phẩm. Những yếu tố này lại ảnh hưởng đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của sản phẩm và do đó ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ.
1.3.1.5. Công tác Marketing:
Marketing không chỉ đơn thuần là các hoạt động tiếp thị, quảng cáo, các hoạt động kích thích tiêu thụ…mà Marketing nó là một quá trình xúc tiến với thị trường nhằm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của con người, nó gắn liền với toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động đó từ việc xác định nhu cầu thị trường, xác định loại sản phẩm thị trường cần, tìm kiếm đầu vào cho sản phẩm, thiết kế và sản xuất sản phẩm theo đúng yêu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm, phân phối, tiêu thụ
sản phẩm... đều có vai trò của hoạt động Marketing. Nếu hoạt động Marketing tốt sẽ giúp cho cung cầu gặp nhau, nhu cầu khách hàng được gợi mở nhanh hơn, sản phẩm được quảng bá, phân phối rộng rãi hơn, tiếp thị, bán hàng tốt hơn…dẫn đến sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn.
1.3.1.6. Tiềm lực vô hình:
Tiềm lực vô hình của doanh nghiệp được thể hiện ở : + Hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
+ Mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp.
+ Uy tín và các mối quan hệ của lãnh đạo doanh nghiêp, của doanh nghiệp với bạn hàng, với đối thủ cạnh tranh.
Tiềm lực vô hình sẽ tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin, lòng trung thành của khách hàng với sản phẩm, với doanh nghiệp. Tâm lý của những người tiêu dùng là họ thường quen sử dụng những sản phẩm, những nhãn hiệu mà họ tin tưởng, do đó, tiềm lực vô hình sẽ trở thành “người bán hàng gián tiếp” cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đững vững trên thị trường. Tuy nhiên, để có được loại tiềm lực này thì doanh nghiệp cần phải tạo dựng nó trong một thời gian tương đối dài thông qua thực hiện một hệ thống mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp, thông qua các hoạt động quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm…