Điều 79. Khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Người có hành vi bao che, cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý khiếu nại, tố cáo, xử lý người vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 80. Khen thưởng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có sáng kiến, thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện, ngăn chặn hành vi gây lãng phí ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên thì được khen thưởng. Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định tại khoản này.
2. Cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động đã thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động hoặc tự chủ tài chính thì được sử dụng số tiền tiết kiệm chi để phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, tăng thu nhập cho người lao động.
3. Cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động không thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí hoạt động hoặc tự chủ tài chính thì
được sử dụng số tiền tiết kiệm chi để phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức và dành một phần để khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
4. Việc sử dụng khoản tiền tiết kiệm chi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này phải được công khai tại cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Điều 81. Bồi thường thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này gây lãng phí thì phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 82. Hình thức xử lý kỷ luật và thẩm quyền xử lý kỷ luật
1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Hạ ngạch; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc.
2. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Điều 83. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này bị xử phạt vi phạm hành chính theo các hình thức sau đây:
a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền;
2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm.
3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
4. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 84. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Người có hành vi vi phạm quy định của Luật này nếu có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương XI