2.1.3.1.1. Yếu tố kinh tế.
Thuận lợi:
11/01/2007, Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới WTO. Lúc này thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng rộng lớn, nó không chỉ giới hạn trong nước, trong khu vực mà là ở phạm vi toàn cầu, thị trường quốc tế sẽ biết đến sự có mặt nhiều hơn của hàng hoá Việt Nam. Các doanh nghiệp
trong nước sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường mới đầy tiềm năng, bạn hàng đối tác cũng sẽ tăng lên. Do vậy mà hiệu quả kinh tế cũng sẽ không ngừng tăng.
Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2007 lượng khách quốc tế tới Việt Nam là 4,23 triệu lượt tăng 18% so với năm 2006. Lượng khách du lịch tăng khiến cho cầu về hàng hoá, sản phẩm tăng khiến các doanh nghiệp phải mở rộng qui mô và đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ thì mới có thể thoả mãn nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tại Việt Nam luôn tăng trưởng trong vòng 8 năm qua. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ đã tăng từ 220 nghìn tỷ đồng năm 2000 lên đến 480 nghìn tỷ đồng năm 2006 và 726 nghìn tỷ đồng năm 2007.
Khó khăn:
Trong thời gian gần đây, lạm phát tăng một cách “chóng mặt”, Chính phủ đang tìm mọi cách đẩy lùi lạm phát nhưng tình hình vẫn chưa có gì biến chuyển, lạm phát vẫn gia tăng làm cho giá cả các loại hàng hoá tăng nhanh nhất là giá lương thực, thực phẩm gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Các lộ trình gia nhập WTO đang dần được thực hiện như cam kết, khi đó dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngày càng nhiều gây nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước.
Buôn lậu, đặc biệt từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn cứ gia tăng mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh, làm cho các doanh nghiệp nhập hàng từ nguồn chính thống phải cạnh tranh về giá cả về những loại hàng hoá này.
Theo số liệu của Bộ Công thương, hàng hoá đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ (khoảng 40%) và qua các cửa hàng bán lẻ độc lập ( khoảng 44%). Hàng bán qua hệ thống kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi .... chỉ mới chiếm khoảng 10%, còn lại 6% là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng. 2.1.3.1.2. Yếu tố chính trị.
Thuận lợi:
Mặc dù bên ngoài đang có nhiều biến động chính trị bất thường như vấn đề Irac, những cuộc khủng bố lớn trên thế giới,... nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là có môi trường chính trị ổn định, không có xung đột tôn giáo, sắc tộc trong nước. Nhận định này rất có lợi cho sự phát triển của Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua Việt Nam đã chứng tở với bạn bè trên thế giới thấy Việt Nam là điểm đến, địa điểm du lịch an toàn. Đặc biệt là trong đợt dịch cúm gia cầm vừa qua, Việt Nam đã khống chế được dịch không để dịch lan rộng, do vậy mà niềm tin của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế ngày càng được tăng lên.
Việt Nam chủ trương đa phương hóa, đa dạng hoá các mối quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, từ đó thị trường hàng hoá ngày càng phong phú, khách hàng ngày càng đa dạng.
Khó khăn:
Trong thời gian qua, chiến tranh và các cuộc khủng bố liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới gây ra những biến động về giá cả ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng
Bất đồng chính trị giữa các nước, đặc biệt là bất đồng giữa Mỹ và các nước theo con đường chủ nghĩa xã hội ngày càng gia tăng, gây nên tình trạng bất ổn định, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế thế giới.
2.1.3.1.3. Yếu tố pháp luật.
Thuận lợi:
Pháp luật Việt Nam hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, xu hướng ngày càng đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là khi Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ không ngừng tăng lên do vậy mà hệ thống pháp luật ngày càng phải hoàn chỉnh, tạo độ thông thoáng cho các doanh nhân nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
Hệ thống thuế của Việt Nam đang được cố gắng hoàn chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo sự công bằng trong nền kinh tế.
Những vụ buôn lậu, trốn thuế,... đang được Việt Nam tăng cường nỗ lực giải quyết. Điều này tạo thêm niềm tin cho các doanh nghiệp.
Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến những vụ tranh chấp thương mại quốc tế và đang cố gắng hoàn thiện hơn cơ quan hoà giải kinh tế, điều này giúp các doanh nghiệp tự tin hơn khi kinh doanh.
Khó khăn:
Tuy đã có nhiều cố gắng để hoàn thiện nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa đầy đủ, còn nhiều chỗ thiếu xót.
Việt Nam vẫn còn độc quyền một số ngành như bưu chính viễn thông, truyền hình, hàng không, điện, nước. Điều này góp phần tăng chi phí đầu vào, tăng chi phí dịch vụ của các doanh nghiệp.
Hệ thống thuế tuy cũng đang được chỉnh sửa cho hoàn thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.
Các mặt hàng ngoại nhập giá còn rất cao vì sự bảo hộ trong nước chưa thật sự có sự công bằng đối với các mặt hàng nhập khẩu, điều này phải thay đổi khi Việt Nam gia nhập WTO.
Tệ quan liêu vẫn đang còn tồn tại, thủ tục hành chính tuy đã cố gắng cải thiện nhưng vẫn còn phiền hà, rắc rối gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
2.1.3.1.4. Yếu tố công nghệ
Thuận lợi:
Công nghệ mới có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm rẻ hơn với chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thị trường máy móc, thiết bị, công nghệ trên thế giới ngày càng phát triển, có nhiều nguồn cung cấp hơn, giá cả cạnh tranh hơn khiến cho các doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn đối tác, để có thể lựa chọn được giải pháp công nghệ tối ưu nhất với giá cả hợp lý.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới quan hệ với khách hàng, với các nhà cung cấp và các bên hữu quan. Việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý, sản xuất và kinh doanh giúp doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và năng suất hơn.
Các doanh nghiệp trong nước được bảo vệ quyền lợi hơn trong việc mua sắm các trang thiết bị, máy móc, công nghệ vì đã được Chính phủ ban hành những quy định chặt chẽ về việc đấu thầu, chào giá, cạnh tranh và thẩm định.
Khó khăn:
Công nghệ ngày càng phát triển làm cho vòng đời của sản phẩm bị rút ngắn lại, các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới. Đặc biệt đối với nhà phân phối trung gian phải hết sức nhạy bén với tình hình thị trường, phải luôn cập nhật để có được những hàng hoá mới nhất nhằm đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng.
Công nghệ kỹ thuật trên thế giới liên tục thay đổi theo xu hướng ngày càng tạo ra sự thuận lợi, năng suất theo nhu cầu của thị trường buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư để theo kịp xu hướng đó mà chi phí cho những khoản này là rất lớn.
Các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ đủ khả năng nhập những công nghệ cũ, đã lạc hậu rất nhiều, điều này khiến cho năng lực sản xuất trong nước bị hạn chế,
khả năng cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập thấp. Đặc biệt với các nhà phân phối trung gian phải đứng trước sự lựa chọn giữa sản phẩm trong nước và hàng ngoại nhập.
Tuy thương mại điện tử đã phát triển mạnh trên thế giới nhưng đối với Việt Nam nó vấn còn khá mới mẻ. Ngoài những trở ngại về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, pháp luật,... còn có những trở ngại về phía người tiêu dùng như thói quen tiêu tiền mặt, mua sắm trực tiếp.
Công nghệ thông tin phát triển khiến cho khách hàng luôn hiểu rất rõ nhu cầu của họ cũng như hiểu rõ về sản phẩm và dịch vụ. Điều này đã khiến cho việc xuất hiện một xu hướng ngược lại với xu hướng đã có trước đó. Đó là, trước đây khách hàng phải tự làm hài lòng với nhu cầu của mình, thì nay các nhà cung cấp phải chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thoả mãn. Trước đây, khách hàng tìm đến nhà cung cấp thì giờ đây nhà cung cấp phải chủ động tìm đến với khách hàng của mình.
2.1.3.1.5. Yếu tố văn hoá – xã hội
Thuận lợi:
Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới AT Kearney đã đánh giá chỉ số phát triển bán lẻ chung ( Gobal Retail Development Index – GRDI) của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Mặt khác, theo nghiên cứu của hãng nghiên cứu toàn cầu RNCOS, Việt Nam hiện nay là một trongbayr thị trường bán lẻ sinh lợi nhất thế giới.
Càng ngày đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, năm 2006, thu nhập bình quân đầu người là 715 USD, năm 2007 là 835 USD, trong 5 năm thu nhập bình quân đầu người tăng 70,7%.
Với dân số trên 85 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới. Mặt khác, theo dự đoán của hãng nghiên cứu toàn cầu RNCOS, nhóm tiêu dùng chính (có độ tuổi từ 15-64) sẽ chiếm khoảng 68.8% tổng số dân. Do vậy, thị trường tiêu dùng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, dân số thành thị có xu hướng tăng lên, đây lại là nhóm mua hàng chính thông qua các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông đảo người dân đến làm ăn hay học tập.
Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ, dồi dào, cần cù, thông minh, sáng tạo với trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng được chú trọng nâng cao, thị trường lao động rẻ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí đầu vào.
Tuy Việt Nam là nước có nhiều dân tộc, với 54 dân tộc và nhiều tôn giáo tín ngưỡng nhưng không có xung đột về tôn giáo sắc tộc, vì Việt Nam thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tình hình kinh tế nói chung và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài yên tâm khi kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam đang từng bước hội nhập với nề kinh tế thế giới nên học hỏi được nhiều tinh hoa, văn hoá dân tộc của nhiều nước trên thế giới, trong quá trình đó đã tạo ra một nguồn lực kích cầu rất lớn.
Khó khăn:
Người Việt Nam vẫn còn duy trì mạnh mẽ thói quen mua sắm tại các chợ còn số người có thói quen mua sắm tại các siêu thị lại chiếm một phần nhỏ. Để thay đổi được thói quen này là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức siêu thị.
Người Việt Nam có thói quen tiêu dùng tiền mặt, các phương thức khác như thẻ tín dụng, mua hàng qua mạng chưa phát triển. Bên cạnh đó người tiêu dùng còn có thói quen sính hàng ngoại khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thời gian qua hàng loạt các đại dịch lớn như: SARS, dịch cúm gia cầm H5N1 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và tác động trực tiếp tới các ngành du lịch, hàng không và hàng loạt các ngành khác làm cho sức tiêu thụ hàng hoá giảm.
Người Việt Nam có thói quen sống tiết kiệm, để dành nên sức mua hàng ở dạng tiềm năng là rất lớn.
2.1.3.1.6. Yếu tố toàn cầu hoá và hội nhập. Thuận lợi:
Quá trình toàn cầu hoá là cơ hội cho các doanh nghiệp chọn đối tác kinh doanh, các sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Điều này giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức siêu thị có thể phục vụ, làm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Quá trình toàn cầu hoá cũng làm thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân. Người tiêu dùng có xu hướng:
Lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, được đảm bảo bới thương hiệu. Mua sắm hàng hoá ở cùng một nơi, thay vì đi khắp các dãy phố để mua các loại mặt hàng khác nhau.
Cùng gia đình mua sắm tại các trung tâm thương mại và siêu thị lớn, ví dụ: vừa kết hợp vui chơi giải trí cho con cái và mua sắm cho vợ chồng.
Cơ sở hạ tầng trong nước được cải thiện mạnh mẽ là nhờ vào việc ngày càng có nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quá trình hội nhập và toàn cầu hoá.
Toàn cầu hoá là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc du nhập kiến thức hay được tăng cường các nguồn lực như con người, nguồn tài chính,... Và đặc biệt giờ đây ranh giới địa lý không còn là trở ngại ngăn cản các quyết định chiến lược và hành động chiến lược của doanh nghiệp.
Trong quá trình hội nhập và toàn cầu hoá đã tạo ra được một lực mạnh mẽ trong việc kích cầu. Sự có mặt ở Việt Nam của một số tập đoàn phân phối lớn như Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson (Malayxia), Zen Plaza (Nhật Bản), Diamond Plaza (Liên doanh Hàn Quốc)...với mô hình phân phối hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến đã góp phần thúc đẩy siêu thị, trung tâm thương mại ở Việt Nam phát triển theo xu hướng hội nhập. Ngoài ra, còn có một hình thức kinh doanh mới rất phát triển trên thế giới và đã xuất hiện ở VN, đó là hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại (Franchising) để mở rộng mạng lưới bán hàng, khai thác và kết hợp nguồn lực của nhiều DN nhỏ trở thành hệ thống có quy mô lớn và trình độ tổ chức cao, ví Công ty Kinh Đô với gần 100 hiệu bánh “Kinh Đô Bakery”, Phở 24, G7 Mart…
Khó khăn:
Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh còn rất yếu, đặc biệt là đối với các đối thủ là các công ty đa quốc gia đang liên kết với nhau lũng đoạn thị trường.
Khi toàn cầu hoá còn gây ra một khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp trong việc thu thập thông tin và lựa chọn thông tin vì lượng thông tin quá lớn.
Các doanh nghiệp bây giờ không chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn có các đối thủ từ các nước khác trên thế giới. Và tốc độ khốc liệt sẽ ngày càng tăng lên khi Việt Nam thực hiện hết các lộ trình trong cam kết mở cửa của WTO.
Trong quá trình hội nhập và toàn cầu hoá không thể tránh khỏi việc bản sắc dân tộc bị thay đổi, thị hiếu tiêu dùng bị ảnh hưởng. Điều này là một thách thức với các doanh nghiệp vì phải thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu phong phú và đa dạng của khách hàng. Tức là doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường và phải đầu tư với lượng vốn lớn hơn.