Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội ước đạt 27.977 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 24,2% so với năm 2010. Công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc triển khai thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước luôn được tích cực triển khai. Các loại hàng hóa, sảm phẩm do Việt Nam sản xuất đã ngày càng có chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và sản phẩm, giá cả ổn định và thấp hơn hàng ngoại nhập nên đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn tiết kiệm chi tiêu hiện nay. Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều đợt bán hàng khuyến mãi, đưa hàng Việt về nông thôn nên đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nhiều chủng loại, mặt hàng Việt với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng; do đó, chưa để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.Chỉ số giá tiêu
dùng(CPI) tháng 11 năm nay tăng 0,87% so với tháng trước và tăng 16,54% so với tháng 12 năm trước; tính chung 11 tháng tăng 20,02% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng 33,62%, lương thực tăng 20,58%, cước giao thông vận tải tăng 16,20%; nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng, chất đốt tăng 19,27%; riêng cước phí bưu chính viễn thông giảm 5,05%.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 440,1 triệu USD, không đạt kế hoạch đề ra (bằng 95,6% kế hoạch) nhưng tăng 3% so với năm 2010. Các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng như: Cà phê tăng 110,1%, dăm gỗ tăng 13,8%, hàng dệt may tăng 46,1%; hàng nông sản tăng 21,2%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 31,1%, … Nhìn chung, năm 2011 hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới, các mặt hàng truyền thống giảm đáng kể như gỗ ngoài trời giảm 17,2%, hải sản các loại giảm 11%.... Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 150,4 triệu USD, giảm 7% so với năm 2010.
Năm 2011, du lịch và dịch vụ vận chuyển tiếp tục tăng khá. Lượng khách đến tỉnh trong năm ước đạt 1.176.500 lượt, tăng 21% so năm 2010; trong đó, khách quốc tế ước đạt 100.600 lượt tăng 27%. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 360 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Dịch vụ vận chuyển hành khách ước đạt trên 24,5 triệu hành khách, tăng 4,9% và luân chuyển 2.106 triệu hành khách-km, tăng 3,7% so với năm 2010. Vận chuyểnhàng hoá ước đạt trên 10 triệu tấn, tăng 13,3%, luân chuyển đạt 1.754 triệu tấn-km, tăng 10,7% so với năm 2010. Hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 6,1 triệu TTQ, tăng 22,8%; trong đó, cảng Quy Nhơn ước đạt 5,5 triệu TTQ, tăng 22,2%, cảng Thị Nại và Tân Cảng ước đạt 600 ngàn TTQ, tăng 29% so vớinăm 2010.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (chưa kể thu đóng góp, thu vay và tạm ứng ngân sách trung ương) ước đạt 3.195,1 tỷ đồng, vượt 2% dự toán năm nhưng giảm 4,8% so với năm 2010; trong đó thu nội địa 2.465,1 tỷ đồng, vượt 2,9% dự toán năm và tăng 7,2% so với năm 2010; thu hoạt động xuất nhập khẩu 505 tỷ đồng, đạt 96,2% so dự toán năm và giảm 11,6% so với năm 2010. Tuy nhiên, thu từ nguồn sử dụng đất cấp tỉnh không đạt kế hoạch đã ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản. Tổng chi ngân sách địa phương (kể cả các khoản chi theo
mục tiêu do ngân sách Trung ương hỗ trợ và tạm ứng cho ngân sách địa phương) ước thực hiện 5.331,444 tỷ đồng, vượt 18,9% dự toán năm và tăng 44,7% so với năm 2011. Trong đó, chi ngân sách tỉnh 2.969,230 tỷ đồng, vượt 13,2% dự toán năm và ngân sách huyện, thành phố (kể cả ngân sách xã, phường, thị trấn) 2.362,214 tỷ đồng, vượt 29% dự toán năm.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội,UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc rà soát các khoản chi chưa thật sự cần thiết như mua sắm, sửa chữa, hội họp, đoàn ra… Các đơn vị sử dụng ngân sách phải xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện, xăng dầu và kinh phí. Các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm) với tổng số tiền là 32,605 tỷ đồng, UBND tỉnh sẽ quản lý và xem xét bố trí cho các nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nhưng tổng nguồn vốn hoạt động trên địa bàn tỉnh (bao gồm vốn huy động tại địa phương, vốn điều chuyển và vốn khác) tính đến cuối tháng 12/2011 ước đạt 33.172 tỷ đồng, tăng 15,6% so với đầu năm (trong đó nguồn vốn huy động tại địa phương 18.876 tỷ đồng, tăng 19,4% so với đầu năm). Tổng dư nợ ước khoảng 28.240 tỷ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm (trong đó nợ xấu khoảng 296,2 tỷ đồng, tăng 22,7% so với đầu năm). Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trong việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất đến ngày 31/12/2011 còn 15% tổng dư nợ); ước đến ngày 31/12/2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 17,2% so với cuối năm 2010 và tỷ trọng cho vay phi sản xuất chiếm 13,8% tổng dư nợ.