III. Giải pháp về đào tạo việc làm cho lao động ở huyện Lập Thạch
1. Phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại
Trong những năm gần đây kể từ khi có nghị quyết 10 của Bộ chính trị (tháng 8/1998), trải qua hơn 10 năm thực hiện, kinh tế hộ nông dân đã có những bước tiến vững chắc. Trong nông nghiệp, kinh tế hộ nổi lên như một loại hình sản xuất tiên tiến, nó vừa tạo chỗ làm cho người lao động, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của gia đình, hiệu quả sản xuất cao.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình thì mô hình kinh tế trang trại cũng là một hình thức rất tốt để tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn, đây thực chất là sự phát triển cao của kinh tế hộ gia đình cả về mặt quy mô vốn, đất đai, lao động và sản phẩm. Phát triển kinh tế trang trại là rất phù hợp với điều kiện kinh tế nông nghiệp nông thôn hiện nay bởi nó tận dụng được những lao động thiếu việc làm tại chỗ, quy mô sản xuất nông nghiệp lớn phù hợp với trình độ quản lý và khả năng làm ăn của người nông dân, vốn đầu tư không lớn. Tuy nhiên loại hình này hiện nay ở huyện Lập Thạch có rất ít (82 trang trại lớn nhỏ)
Như vậy, kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại là những thực thể kinh tế khách quan phù hợp vơí quy luật phát triển và đúng với đường lối đổi mới kinh tế của Đảng và nhà nước ta. Song để các loại hình kinh tế này phát triển được và thực sự trở thành nhân tố mới trong lực lượng sản xuất, Đảng và nhà nước ta cần có chủ trương chính sách cụ thể đồng thời phải có một chiến lược
phát triển thị trường nông thôn đồng bộ, thông thoáng và hoàn chỉnh hơn để tạo điều kiện cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm ra nhanh chóng và thuận lợi.
- Về đất đai: Diện tích đất canh tác lên từng hộ là rất ít, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế hộ lại cần diện tích rất lớn. Vì vậy, con đường cơ bản để các hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hoá là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong từng hộ phù hợp với yêu cầu của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng chuyên môn hoá và phát triển tổng hợp. Trên cơ sở cây trồng đã xác định các hộ phải chuyển dần phương thúc sản xuất quản canh. Đây là con đường cơ bản và lâu dài trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất và số lượng cây trồng.
Đối với kinh tế trang trại thì nhu cầu về đất đai còn quan trọng hơn nhiều lần.
Để hình thành trang trại ở đây cần phải có sự chuyển nhượng hoặc tập trung đất. Vậy để thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hoá, kinh tế hộ, kinh tế trang trại, nhà nước và địa phương cần phải có chính sách thích hợp khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tập trung về ruộng đất.
- Về vốn: Nhu cầu về vốn cho cả 2 loại hình kinh tế này là tương đối lớn đặc biệt là mô hình kinh tế trang trại, hiện nay hầu hết các trang trại trong huyện đều thiếu vốn sản xuất. Trong tương lai nhu cầu về vay vốn để phát triển sản xuất, đầu tư về tiền mặt, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng trở nên cần thiết và với một số lượng ngày càng nhiều.
Để giải quyết vấn đề này huyện cần hỗ trợ tín dụng thích hợp đối với từng hộ nông dân và từng loại trang trại cụ thể. Cần ưu tiên những trang trại và có hộ gia đình làm ăn có hiệu quả, cho vay với khối lượng vốn lớn và thời gian phù hợp để người chủ có thể yên tâm đầu tư xây dựng, cũng cố và phát triển sản xuất.
Đơn giản các thủ tục cho vay nhằm đảm bảo khi cần vốn là vay được, tráng tình trạng bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của người nông dân.
- Đào tạo các chủ hộ và chủ trang trại.
Với trình độ chuyên môn như hiện nay, các chủ hộ cũng như chủ trang trại tiến hành sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng kinh nghiệm của bản thân và tự học. Vì vậy vấn đề đặt ra là cần phẩi nâng cao trình độ chuyên môn cho họ
bằng cách mở các lớp tập huấn đào tạo ngắn hạn để giúp cho hộ nâng cao khả năng quản lý. Am hiều thị trường cạnh tranh và hạch toán chi phí, doanh thu và lợi nhuận. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động là một yêu cầu khách quan nhưng các chương trình đào tạo cần phải xây dựng sao cho thiết thực, cần có sự thống nhất cả về mặt nội dung, thời gian và đối tượng tham gia.
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng của huyện Lập Thạch hiện nay còn rất yếu kém cần phải có sự quan tâm xây dựng, sửa chữa để nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ, và các cơ sở giao dịch. Đồng thời xây dựng các tụ điểm kinh tế nhằm tạo điều kiện cho việc buôn bán hàng hoá tạo điều kiện cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển rộng khắp, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hoá sản phẩm.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: khuyến khích các trang trại, các hộ nông dân sản xuất hàng hoá trên cơ sở phân vùng quy hoạch, để lưu thông hàng hoá thuận lợi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ từ sản xuất đến tiêu dùng như đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện chế biến đầu tư đổi mới công nghệ bảo quản hàng hoá, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, tránh hiện tượng bị tư thương ép giá.