3.3.2.1. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển thị trường xuất khẩu
Một doanh nghiệp muốn đạt được hiệu quả cao trong kinh doanh xuất khẩu thì công tác nghiên cứu thị trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Lý do chính là bởi tập quán tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng, phong cách tiêu dùng ở mỗi quốc gia khác nhau là khác nhau, thậm chí tại một quốc gia nhưng ở những vùng miền khác nhau là cũng đã có sự khác biệt rất lớn. Vì vậy mới xảy ra hiện tượng có những sản phẩm được đón nhận nồng nhiệt ở quốc gia này nhưng lại thất bại thảm hại ở thị trường khác. Điều này cho thấy, công tác nghiên cứu thị trường quyết định đến sự sống còn của sản phẩm khi thâm nhập vào thị trường. Nắm rõ được điều này, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cần tiến hành nghiên cứu các thị trường một cách kỹ lưỡng, sau đó lựa chọn các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường và điều kiện của kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn tuy là một doanh nghiệp có kinh nghiệm khá lâu năm trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản nhưng công tác nghiên cứu thị trường ở công ty vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn thông tin mà công ty có được chủ yếu thông qua các báo cáo của Bộ Công Thương, của các tổ chức kinh tế có uy tín trên thế giới. Các báo cáo này thường mang tính chung chung, chưa cụ thể và thật sự phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, khi thị trường có những thay đổi bất thường thì công ty thường không có được những dự báo chính xác để điều chỉnh hoạt động kinh doanh một cách nhanh nhất nên đôi khi vẫn phải gánh chịu những thiệt hại do sự yếu kém trong khâu dự báo. Đây là điều mà công ty cần phải thay đổi ngay khi mà quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới đang trở thành xu hướng của thế giới, đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn đến từ tất cả các quốc gia trên thị trường.
ty cần phải chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, thu thập, xử lý thông tin tìm ra những thị trường tiềm năng trong tương lai và dự báo được những thay đổi của thị trường thông qua việc thành lập phòng Marketing riêng biệt với các chức năng chuyên biệt sau:
- Nghiên cứu nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp nhu cầu của thị trường và của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường mới hiệu quả
- Phân đoạn và lựa chọn các thị trường
- Phối hợp nhịp nhàng với các phòng kinh doanh để thực hiện tốt các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu
- Thu thập, xử lý thông tin, đưa ra những dự báo để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tránh được những rủi ro do sự biến động phức tạp của thị trường nông sản thế giới đồng thời điều tra, phân tích những phản hồi từ phía các bạn hàng, đối tác kinh doanh.
3.3.2.2. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Thị trường là đích hướng đến của mọi doanh nghiệp, chiếm lĩnh thị trường cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có lợi thế trong kinh doanh về mặt hàng nào đó so với các doanh nghiệp cạnh tranh khác. Vì vậy, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi mà thị phần của doanh nghiệp ở các thị trường có xu hướng giảm do có sự tham gia của nhiều đối thủ cạnh tranh thì đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chính là chiến lược được các doanh nghiệp quan tâm và hướng tới. Chiến lược này đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tránh được rủi ro khi thị trường thay đổi, giúp cho doanh nghiệp thoát khỏi sự bị động khi phải phụ thuộc vào một lượng khách hàng nhất định tại một thị trường nhất định.
Để thực hiện chiến lược này, Thái Sơn cần xác định rõ những thị trường mà công ty cho xuất khẩu nông sản vào thị trường này là có tiềm năng, giúp công ty mở rộng được thị trường kinh doanh và tăng được lợi nhuận. EU, Mỹ, ASEAN…là những thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của công ty. Đây là những thị trường có mối quan hệ hợp tác kinh doanh lâu năm với công ty, vì vậy duy trì mối quan hệ ổn định, bền chặt với các bạn hàng cùng các kênh phân phối tại các thị trường này là điều cần thiết đối với công ty. Thị trường Châu Phi và một số nước ở Châu Mỹ La Tinh như Braxin, Chilê, Achentina… là những thị trường tiềm năng hứa hẹn đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của công ty trong những năm tới. Vì vậy, nghiên cứu và xâm nhập vào những thị trường này là giải pháp mà công ty cần triển khai và tổ chức thực hiện một cách tốt nhất trong thời gian tới.
3.3.2.3. Hợp tác chặt chẽ với tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia
Tham tán thương mại là gì, chức năng, và nhiệm vụ của họ như thế nào là câu hỏi mà các doanh nghiệp cần hiểu rõ nếu muốn đạt sự hiệu quả khi hợp tác với họ. Vậy, với nước sở tại, tham tán thương mại là cán bộ ngoại giao làm kinh tếm đại diện cho lợi ích kinh tế của Việt Nam. Với Việt Nam, các tham tán thương mại là tình báo kinh tế, có nhiệm vụ nghiên cứu-nắm bắt tình hình về kinh tế, về thị trường ở nước sở tại để phát hiện và đề xuất cho chính phủ Việt Nam bổ sung điều chỉnh chính sách, nhằm phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước. Ngoài ra học còn có thể là tình báo chiến thuật, cung cấp thông tin về các mặt hàng cụ thể để các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
Hiểu rõ được điều này, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác trong nước, để thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông sản, công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn nên chủ động phối hợp với tham tán thương mại của Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới theo hướng sau:
- Cùng với các doanh nghiệp khác tham gia các Hội nghị Tham tán thương mại được tổ chức thường niên trong năm để thông qua đó thu thập thông tin, đề xuất các hướng đi cho hàng xuất khẩu.
- Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của tham tán thưong mại Việt Nam tại nước ngoài để thiết lập, mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các bạn hàng.
- Phối hợp với các cơ quan tham tán nước ngoài nhằm nắm bắt thông tin và hạn chế được các rào cản kỹ thuật bên quốc gia nhập khẩu.
- Tận dụng mối quan hệ với giới truyền thông nước ngoài thông qua các tham tán thương mại để giới thiệu các sản phẩm, ngành hàng Việt Nam nói chung và công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn nói riêng.