Với mục tiêu là đa dạng hóa các hình thức kinh doanh xuất khẩu nhằm phân tán và chia sẻ rủi ro, các doanh nghiệp ngoại thương có thể lựa chọn nhiều hình thức xuất khẩu khác nhau. Một số hình thức xuất khẩu thường được các doanh nghiệp lựa chọn, bao gồm:
1. Xuất khẩu trực tiếp.
Xuất khẩu trực tiếp là xuất khẩu các hàng hoá và dịch vụ do chính doanh nghiệp sản xuất ra hoặc mua từ các đơn vị sản xuất trong nước, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với danh nghĩa là hàng của mình.
Hình thức này có ưu điểm là lợi nhuận mà đơn vị kinh doanh xuất khẩu thường cao hơn các hình thức khác do không phải chia sẻ lợi nhuận qua khâu trung gian. Với vai trò là người bán trực tiếp, đơn vị ngoại thương có thể nâng cao uy tín của mình. Tuy vậy, nó đòi hỏi đơn vị phải ứng trước một lượng vốn khá lớn để sản xuất hoặc thu mua hàng và có thể gặp nhiều rủi ro.
2. Xuất khẩu gián tiếp
Xuất khẩu gián tiếp là việc cung ứng hàng hoá ra thị trường nước ngoài thông qua các trung gian xuất khẩu như người đại lý hoặc người môi giới. Đó
có thể là các cơ quan, văn phòng đại diện, các công ty uỷ thác xuất nhập khẩu... Xuất khẩu gián tiếp sẽ hạn chế mối liên hệ với bạn hàng của nhà xuất khẩu, đồng thời khiến nhà xuất khẩu phải chia sẻ một phần lợi nhuận cho người trung gian. Tuy nhiên, trên thực tế phương thức này được sử dụng rất nhiều, đặc biệt là ở các nước kém phát triển, vì các lý do:
+ Người trung gian thường hiểu biết rõ thị trường kinh doanh còn các nhà kinh doanh thường rất thiếu thông tin trên thị trường nên người trung gian tìm được nhiều cơ hội kinh doanh thuận lợi hơn.
+ Người trung gian có khả năng nhất định về vốn, nhân lực cho nên nhà xuất khẩu có thể khai thác để tiết kiệm phần nào chi phí trong quá trình vận tải.
3. Xuất khẩu uỷ thác
Xuất khẩu uỷ thác là các đơn vị nhận giao dịch, đàm phán, kí kết hợp đồng để xuất khẩu cho một đơn vị (bên uỷ thác)
Trong hình thức xuất khẩu uỷ thác, đơn vị ngoại thương đóng vai trò là người trung gian xuất khẩu làm thay cho đơn vị sản xuất. Ưu điểm của hình thức này là độ rủi ro thấp, trách nhiệm ít, người đứng ra xuất khẩu không phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, đặc biệt là không cần đến vốn để mua hàng, phí ít nhưng nhận tiền nhanh, cần ít thủ tục....
4. Buôn bán đối lưu
Đây là hình thức giao dịch mà trong đó xuất khẩu kết hợp chặt chẽ với nhập khẩu, người bán đồng thời là người mua, hàng trao đổi có giá trị tương đương nhau. Mục đích xuất khẩu không phải là nhằm thu về một khoản ngoại tệ mà nhằm thu về một lượng hàng hoá có giá trị xấp xỉ giá trị lô hàng xuất khẩu.
Buôn bán đối lưu đã ra đời từ lâu trong lịch sử quan hệ hàng hóa - tiền tệ, trong đó sớm nhất là “hàng đổi hàng”, rồi đến trao đổi bù trừ. Ngày nay ngoài hai hình thức truyền thống đó, đã có nhiều loại hình thức mới ra đời. Trong
vòng thập niên 90 của thế kỷ XX, trong buôn bán quốc tế, gần 35% là mua đối lưu, 24% là những hợp đồng bồi hoàn, 9% là những giao dịch có thanh toán bình hành, 8% là nghiệp vụ chuyển nợ, chỉ có 4% là nghiệp vụ hàng đổi hàng.
5. Xuất khẩu theo nghị định thư
Đây là hình thức xuất khẩu hàng hoá (thường là trả nợ) được ký theo nghị định thư giữa hai chính phủ. Xuất khẩu theo nghị định thư có nhiều ưu điểm như khả năng thanh toán chắc chắn (do Nhà nước trả cho đơn vị xuất khẩu), giá cả hàng hóa tương đối cao, việc sản xuất thu mua có nhiều ưu tiên...
Trên thực tế, hình thức này ít được áp dụng, chủ yếu là ở các nước XHCN trước kia.
6. Xuất khẩu tại chỗ
Đây là hình thức mới và đang phổ biến rộng rãi. Đặc điểm của hình thức này là hàng hoá không bắt buộc vượt qua biên giới quốc gia mới đến tay khách hàng. Do vậy giảm được chi phí cũng như rủi ro trong quá trình vận chuyển và bảo quản hàng hoá. Các thủ tục trong hình thức này cũng đơn giản hơn, trong nhiều trường hợp không nhất thiết phải có hợp đồng phụ trợ như: hợp đồng vận tải, bảo hiểm hàng hoá, thủ tục hải quan.
7. Gia công quốc tế
Gia công quốc tế là một hoạt động kinh doanh thương mại trong đó một bên (gọi là bên nhận gia công) nhập khẩu nguyên liệu hoặc bán thành phẩm của một bên khác (gọi là bên đặt gia công) để chế biến thành ra thành phẩm giao lại cho bên đặt gia công và nhận thù lao (gọi là phí gia công). Như vậy, trong gia công quốc tế hoạt động xuất nhập khẩu gắn liền với hoạt động sản xuất.
Gia công quốc tế ngày nay khá phổ biến trong buôn bán ngoại thương của nhiều nước. Đối với bên đặt gia công, phương thức này giúp họ lợi dụng được giá rẻ về nguyên liệu phụ và nhân công của nước nhận gia công. Đối với bên nhận gia công, phương thức này giúp họ giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân lao động trong nước hoặc nhận được thiết bị hay công nghệ mới về nước mình, nhằm xây dựng một nền công nghiệp dân tộc. Nhiều nước đang phát triển đã nhờ vận dụng phương thức gia công quốc tế mà có được một nền công nghiệp hiện đại, chẳng hạn như Hàn Quốc, Thái Lan, Xingapo...
8. Tạm nhập, tái xuất
Mỗi nước có một định nghĩa riêng về tái xuất. Nhiều nước Tây Âu và Mỹ Latinh quan niệm tái xuất là xuất khẩu những hàng ngoại quốc từ kho hải quan, chưa qua chế biến ở nước mình. Anh, Mỹ và một số nước khác lại coi đó là việc xuất khẩu những hàng hóa ngoại quốc chưa qua chế biến ở trong nước dù hàng đó đã qua lưu thông nội địa. Như vậy, các nước đều thống nhất quan niệm tái xuất là lại xuất khẩu trở ra nước ngoài những hàng hóa trước đây đã nhập khẩu, chưa qua chế biến ở nước tái xuất.
Giao dịch tái xuất bao gồm nhập khẩu và xuất khẩu với mục đích thu về một số ngoại tệ lớn hơn vốn bỏ ra ban đầu. Giao dịch này luôn luôn thu hút được ba nước: nước xuất khẩu, nước tái xuất và nước nhập khẩu. Vì vậy người ta gọi giao dịch tái xuất là giao dịch ba bên hay giao dịch tam giác (triangular transaction)
Ưu điểm của hình thức này là doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận cao mà không cần phải tổ chức sản xuất, đầu tư vào nhà xưởng, thiết bị, khả năng thu hồi vốn cũng nhanh hơn.
9. Tạm xuất, tái nhập.
Ngược lại với hình thức tạm nhập tái xuất, hình thức này là hàng hóa đưa đi triểm lãm, đi sửa chữa rồi lại mang về.
10. Chuyển khẩu
Chuyển khẩu là hình thức mua hàng của nước này bán cho nước khác mà không phải làm thủ tục xuất nhập khẩu.