Như ta đã biết, công tác huy động vốn luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các Ngân hàng TMCP nói chung và của ACB Cần Thơ nói riêng. Đây là cơ sở để Ngân hàng có được một nguồn vốn ổn định và tạo thế chủ động trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, có được một nguồn vốn đủ lớn, đủ mạnh còn là cơ sở quyết định cho sự tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng. Một ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả là một ngân hàng huy động được nguồn vốn cần thiết cho hoạt động của mình. Trước khi đề cập đến các biện pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn cho Chi nhánh, ta cần nhìn lại những điểm mạnh và điểm yếu của ACB Cần Thơ trong công tác huy động vốn từ năm 2006 - 2008.
Trong tình hình cạnh tranh về lãi suất và thị trường có nhiều kênh thu hút vốn (cổ phiếu, trái phiếu,..) như hiện nay thì việc huy động vốn gặp không ít khó khăn, nhưng qua phân tích cho thấy khả năng huy động vốn của Ngân hàng Á châu vẫn giữ tốc độ tăng dần qua các năm. Tình hình cụ thể như sau:
- Nguồn vốn huy động qua 3 năm 2006 - 2008 có sự tăng trưởng mạnh qua các năm. Điều này đã chứng tỏ sự tin tưởng của khách hàng vào ACB ngày càng cao. Nguyên nhân là do ngân hàng đã duy trì nhiều hình thức huy động đa dạng, áp dụng chính sách lãi suất linh hoạt cho từng địa bàn và tăng cường công tác quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại Chi nhánh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tín dụng trên địa bàn.
- Các hình thức huy động chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm của dân cư và tiền gửi của tổ chức kinh tế, trong đó tiền gửi tiết kiệm của dân cư chiếm tỷ trọng cao. Và trong tiền gửi tiết kiệm của dân cư thì tiền gửi có kỳ hạn là chủ yếu. Qua phân tích có thể thấy, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiền gửi của dân cư và tăng trưởng mạnh qua các năm, còn tiền gửi không kỳ hạn thì tăng giảm không đều. Khác với tiền gửi tiết kiệm của dân cư, tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế lại chiếm tỷ trọng nhiều hơn tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, tiền gửi của tổ chức kinh tế luôn biến động từ năm 2006 - 2008.
Sau đây đề tài xin nêu ra một số giải pháp mà Ngân hàng cần làm để hoạt động huy động vốn thực sự mang lại hiệu quả thiết thực hơn:
- Ngân hàng cần giữ vững mối quan hệ với các khách hàng cũ, đồng thời khai thác khách hàng tiềm ẩn. Trên cơ sở đảm bảo uy tín với khách hàng, thực hiện chi trả chính xác, kịp thời, đảm bảo lợi nhuận và đảm bảo an toàn vốn cho khách hàng, tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi với khách hàng và khuyến khích họ gia tăng doanh số tiền gửi.
- Cần mở rộng công tác tuyên truyền và tiếp thị về huy động vốn để người dân biết được về lãi suất, cũng như hình thức huy động vốn đa dạng của Ngân hàng nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Nội dung của các hình thức tuyên truyền phải được trình bày sao cho khách hàng hiểu và nhận thức lợi ích của việc gửi tiền là có lợi cho cả hai bên, mà chủ yếu là có lợi cho khách hàng.
- Ngân hàng cần quan tâm chú trọng hơn nữa việc huy động vốn ở nông thôn như định kỳ cử cán bộ đến các khu vực vùng sâu, vùng xa khác nhau, đến những
địa bàn mà Ngân hàng chưa có Chi nhánh hay phòng giao dịch để quảng bá về
Ngân hàng và vận động dân cư tham gia các loại hình dịch vụ của Ngân hàng. Đây là thị trường tiềm năng về vốn rất lớn vì hiện nay nông thôn có nhiều hộ gia đình làm ăn rất có hiệu quả nhưng đa phần tích lũy theo cách truyền thống là mua vàng ở địa phương.
- Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn: Nhu cầu về vốn của khách hàng
ngày một tăng, do đó Chi nhánh cần có nhiều hình thức huy động để phát triển nguồn vốn, cần chú trọng vai trò của tiền gửi tiết kiệm, nhất là những khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 1 năm để gia tăng vốn trung - dài hạn.
- Khuyến khích các khách hàng mở tài khoản tiền gửi và thực hiện thanh toán qua Ngân hàng, thanh toán các giấy tờ có giá như Séc, trái phiếu, lệnh phiếu… trên cơ sở đó thu hút một lượng tiền gửi cao hơn.