Tiếp tục hiện đại hoá ngân hàng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện nghiệp vụ bảo lãnh tại Ngân hàng Công Thương Sông Nhuệ (Trang 63 - 65)

NHCT Sông Nhuệ nên áp dụng các quy trình công nghệ mới hỗ trợ cho hoạt động bảo lãnh nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung. Đặc biệt là công nghệ thông tin ngân hàng, nhằm cung cấp cho cán bộ bảo lãnh những nguồn thông tin cập nhật, đầy đủ và chính xác . Qua đó giúp cán bộ bảo lãnh có thể thẩm định khách hàng một cách nhanh chóng, chuẩn xác và đưa ra quyết định bảo lãnh đúng đắn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao hình ảnh của ngân hàng và tăng tiện ích cho khách hàng.

Trên đây là một số giải pháp nhằm mở rộng hoạt động bảo lãnh tại NHCT Sông Nhuệ . Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, cần phải có sự quan tâm và hỗ trợ từ hệ thống NHCT Việt Nam, từ Chính phủ và NHNN. Sau đây là phần kiến nghị để khắc phục những khó khăn từ môi trường pháp lý và kinh tế.

3.3. Kiến nghị

3.3.1. Kiến nghị đối với Ngân hàng công thương Việt Nam.

NHCT Sông Nhuệ là chi nhánh cấp 1 trực thuộc NHCT Việt Nam , chịu sự chỉ đạo và tuân theo những quy định do NHCT Việt Nam ban hành. Để hoạt động bảo lãnh tại NHCT Sông Nhuệ diễn ra thuận lợi, NHCT Việt Nam nên quan tâm đến các vấn đề sau:

• Thứ nhất, NHCT Việt Nam nên giao cho NHCT Sông Nhuệ mức ủy quyền phán quyết hợp lý. Qua đó, tạo điều kiện cho NHCT Sông Nhuệ có thể chủ động đáp ứng những nhu cầu của khách hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà NHCT Việt Nam qui định. Đồng thời điều này cũng giúp tăng cường uy tín và tiềm lực tài chính cho bản thân NHCT Sông Nhuệ.

• Thứ hai, NHCT Việt Nam nên đưa ra những chỉ tiêu chương trình phát triển cho NHCT Sông Nhuệ trong những năm tới một cách đúng đắn thống nhất phù hợp với quy mô tiềm năng của Chi nhánh. Đơn giản hoá các thủ tục và tạo tính chủ động nhất định trong việc thực hiện kế hoạch cũng như công tác lãnh đạo tại Chi nhánh.

• Thứ ba, nên quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác hiện đại hoá toàn bộ hệ thống, ứng dụng công nghệ hiện đại, thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa các chi nhánh, qua đó dễ dàng cho việc truyền tin và cập nhật thông tin khi cần thiết, tạo ra sự hỗ trợ kịp thời giữa các chi nhánh khi có vấn đề xảy ra.

• Thứ tư, NHCT Việt Nam có thể thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tín dụng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến, hướng dẫn những quy định, đồng thời tạo điều kiện cho các chi nhánh có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau

3.3.2.Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà Nước

NHNN là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh, NHNN nên thực thi một số các biện pháp sau:

• Thứ nhất, ban hành các quy định, thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy chế bảo lãnh và cách thức thực hiện những loại bảo lãnh mới như: bảo lãnh thuế quan, bảo lãnh hối phiếu, đặc biệt là bảo lãnh phát hành chứng khoán. Bởi vì như hiện nay, khi thị trường chứng khoán đang đang thực sự bùng nổ thì việc nhu cầu cổ phần hóa cũng như phát hành chứng khoán là rất cao. Bên cạnh đó, NHNN cần cải tiến thủ tục, quy trình bảo lãnh theo hướng đơn giản hoá nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động bảo lãnh.

• Thứ hai, NHNN nên hỗ trợ các ngân hàng thương mại về mặt thông tin, nâng cao tầm hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng (ICC), đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và cập nhật. Hiện nay ICC thuộc NHNN là nơi tập trung các nguồn thông tin rất phong phú và đa dạng đồng thời cũng tập trung một đội ngũ những chuyên gia phân tích và xử lý thông tin tín dụng hàng đầu. Song hiệu quả đạt được trong việc cung cấp thông tin cho các NHTM vẫn chưa cao. Nguyên nhân có thể một phần là do những thông tin này chưa thực sự thiết thực đối với các NHTM, một phần khác là do cách thức bán thông tin này chưa thực sự hợp lý.

• Thứ ba, NHNN phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động của NHTM nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng, phát hiện kịp thời những tồn tại và sai sót để có biện pháp xử lí, chấn chỉnh kịp thời. Muốn vậy, NHNN cần phải chú trọng đến trình độ nghiệp vụ cũng như phẩm chất đạo đức của cán bộ thanh tra. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là NHNN can thiệp quá sâu vào hoạt động của NHTM, gây cản trở tiêu cực tới hoạt động của Ngân hàng. NHNN cần kết hợp hài hòa giữa giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ.

• Thứ tư, NHNN cần hỗ trợ về chuyên môn cho các NHTM bằng cách tổ chức thường xuyên những buổi tập huấn nghiệp vụ, để giữa các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước có dịp gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời NHNN cũng cần phải nghiên cứu và trả lời một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của NHTM.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện nghiệp vụ bảo lãnh tại Ngân hàng Công Thương Sông Nhuệ (Trang 63 - 65)