Phối hợp hài hoà bàn tay Nhà nước pháp quyền và bàn tay thị truờng

Một phần của tài liệu Đề tài : Khủng hoảng tài chính toàn cầu và bài học rút ra đối với Việt Nam potx (Trang 33 - 34)

3. Tác dộng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu :

3.3.1. Phối hợp hài hoà bàn tay Nhà nước pháp quyền và bàn tay thị truờng

Những cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính-tiền tệ khu vực và thế giới đã, đang và sẽ còn chứng tỏ, khi “bàn tay hữu hình” của Nhà nước hoặc nắm quá chặt, hoặc bị buông lỏng quá mức, và cả khi “bàn tay vô hình” của thị trường bị lạm dụng và đề cao thái quá, thì đều có nguy cơ dẫn đến những cực đoan, có thể trực tiếp và gián tiếp làm tích tụ ngày càng đậm những xung lực gây ra những làn “sóng thần” khủng hoảng, đồng nghĩa với quá trình gây hao phí và tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế-xã hội và môi trường, cho mỗi quốc gia và toàn nhân loại.

Để các quy luật kinh tế khách quan vận động có lợi nhất cho xã hội, các khiếm khuyết của thị trường tự do phải được sửa chữa bằng sự can thiệp chủ động và tích cực của Nhà nước kiểu mới, mang tính pháp quyền và đại diện cao hơn, sử dụng các công cụ hiệu quả hơn cho các lợi ích chung của quốc gia và nhân loại. Trong mô hình kết hợp đó, sẽ có yêu cầu cao hơn về tăng cường vai trò của cạnh trạnh thị trường lành mạnh với luật pháp, chế tài, điều tiết, kiểm soát, giám sát nhà nước về hiệu năng và trách nhiệm các thể chế thị trường, thiết lập hệ thống thông tin công khai, minh bạch, phát triển các công cụ dự báo, cảnh báo và trừng phạt các sai trái và gian lận…, sao cho vừa tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, vừa không làm xấu đi sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển, nhất là không lạm dụng sức chịu đựng và đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng.

Đặc biệt, cần sớm khắc phục những bất cập về nhận thức và lạm dụng trong thực tế về quyền lực chủ quan của nhà nước, về sức mạnh thị trường khách quan, về tính ôm đồm đa mục tiêu của chính sách, cũng như của nếp tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ, địa phương, của sự “vận động hành lang” và cơ chế quan liêu, hình thức, “ làm láo, báo cáo hay”. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng xây dựng các quy hoạch, dự án; thực hiện nghiêm túc các quy định về đấu thầu thực chất, chống thông thầu, ép thầu và các gian lận thầu khác gây tổn hại lợi ích chung và dài hạn; tăng cường kiểm toán độc lập, xây dựng và áp dụng rộng rãi hệ thống chỉ tiêu hiệu quả, cũng như chế độ đánh giá hệ số tín nhiệm tập thể và cá nhân.

Về dài hạn, cần chuyển nhanh từ mô hình “nhà nước – nhà đầu tư lớn nhất” và phát triển chủ yếu theo bề rộng hiện nay, sang mô hình “nhà nước – nhà quản lý công” và phát triển theo bề sâu, đi đôi với việc chuyển dịch nguồn động lực chính trong đầu tư phát triển kinh tế từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; cần sớm thông qua và thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công và dũng cảm cắt giảm các chi tiêu công không vì mục tiêu bảo đảm và nâng cao hiệu quả chung, duy trì sự ổn định xã hội, cũng như cần ngăn chặn kịp thời “sự liên minh ma quỷ” giữa các doanh nghiệp-ngân hàng và quan chức có liên quan trong cho vay và đầu tư mang nặng tính đầu cơ, trục lợi cá nhân hoặc phe nhóm, lũng đoạn thị trường và lãng phí các nguồn lực quốc gia.

Hơn nữa, cần sớm thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ, lành trong việc cung cấp các sản phẩm và nguyên , nhiên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, rồi mới bãi bỏ sự kiểm soát hành chính về giá cả. Đồng thời, cần nâng cao năng lực và hiệu quả trên thực tế của chính phủ trong công tác giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan; ngăn chặn hiện tượng lạm dụng trục lợi cá nhân, thậm chí biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, phường hội và phe nhóm.

Về dài hạn, yêu cầu về tổ chức lại nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước sẽ cấp thiết hơn nhằm tăng cường sự hợp tác, gắn kết, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, cũng như hiệu quả đầu tư kinh tế-xã hội nói chung.

Một phần của tài liệu Đề tài : Khủng hoảng tài chính toàn cầu và bài học rút ra đối với Việt Nam potx (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(42 trang)
w