Nâng cao công tác thẩm định.

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sở giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Trang 72 - 75)

 Phân tích khách hàng.

Phân tích khách hàng là bước đầu tiên của quá trình thẩm định khách hàng. Phân tích năng lực pháp lý của DNNVV là yếu tố không thể bỏ qua và xem nhẹ. Bởi vì số lượng DNNVV ngày một tăng, tình trạng doanh nghiệp ma khá phổ biến. Những doanh nghiệp này dễ dàng làm giấy tờ giả để lừa đảo vốn của ngân hàng. Vì vậy, khi xem xét năng lực pháp lý, cán bộ tín dụng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ giấy tờ như: quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh do cấp có thẩm quyền cấp,

giấy bổ nhiệm giám đốc… Và những giấy tờ này phải hợp pháp, phải có dấu chứng thực của cơ quan có thẩm quyền để tránh tình trạng giả mạo giấy tờ. Một yếu tố cũng quan trọng mà cán bộ tín dụng cần phải đánh giá đó là uy tín của DNNVV. Đối với những doanh nghiệp mà có uy tín trên thị trường thì ngân hàng sẽ nới lỏng các điều kiện cho vay, mở rộng hạn mức và có các chính sách ưu đãi hơn.

Một khâu quan trọng không kém trong việc phân tích khách hàng là phân tích tài chính khách hàng. Đây là một căn cứ có tính quyết định tới quyết định cho vay. Thông qua các báo cáo tài chính, Ngân hàng tiến hành tính toán các chỉ tiêu chủ yếu, phân tích các chỉ tiêu đó, so sánh các chỉ tiêu với chỉ tiêu của ngành hay lĩnh vực liên quan. Kết hợp với từng trường hợp cụ thể mà Chi nhánh chú trọng phân tích chỉ tiêu này hay chỉ tiêu khác để có những đánh giá chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Đối với DNNVV năng lực tài chính có hạn nên cán bộ tín dụng cần phải phân tích một cách tỉ mỉ, chính xác, đầy đủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. DNNVV hoạt động bao trùm trên mọi lĩnh vực với những đặc trưng riêng, nhu cầu vay vốn khác nhau. Vì vậy, khi phân tích tài chính, cán bộ tín dụng nên chú trọng vào một số chỉ tiêu đặc trưng cho ngành nghề kinh doanh. Trên cơ sở những phân tích cụ thể trên, cán bộ tín dụng cần đưa ra những dự báo và nhận định về rủi ro trong kinh doanh, rủi ro ngành, cấu trúc chi phí lợi nhuận nhằm đưa rra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

 Thẩm định dự án đầu tư.

Thẩm định dự án đầu tư là việc tổ chức xem xét một cách khách quan, toàn diện các nội dung cơ bản liên quan đến dự án đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp tới tính khả thi, hiệu quả và khả năng hoàn vốn đầu tư của dự án.

Khi tiến hành thẩm định dự án, cán bộ tín dụng buộc phải tuân thủ theo các bước hướng dẫn thẩm định của ngân hàng như: phân tích kinh tế

dự án đầu tư, phân tích kỹ thuật, thẩm định về khả năng thực hiện dự án, đánh giá hiệu quả về mặt tài chính và khả năng trả nợ của dự án, phân tích rủi ro và các biện pháp phòng ngừa cũng như giảm thiểu rủi ro. Muốn có cái nhìn chính xác về dự án thì SGD nên chuyên môn hoá lĩnh vực nhất định, mỗi một lĩnh vực phân công cho một hoặc một số cán bộ tín dụng đảm nhiệm. Như vậy sẽ tăng tính hiệu quả hơn là việc để cho một cán bộ tín dụng ôm đồm nhiều dự án khác nhau một lúc. Bởi cán bộ tín dụng sẽ phải san sẻ thời gian và kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không thể chuyên sâu vào một dự án để tìm hiểu kỹ từng khía cạnh liên quan. Từ đó sẽ kéo dài thời gian thẩm định, làm chậm tiến độ vay vốn và ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án của DNNVV.

Thẩm định dự án đầu tư yêu cầu cán bộ tín dụng dự đoán các rủi ro và đưa ra các biện pháp phòng ngừa dựa trên trạng thái động. Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, khi triển khai dự án có thể khác xa so với dự tính ban đầu. Nếu không dự đoán từ trước sẽ gây khó khăn cho cả Ngân hàng và doanh nghiệp, vốn sẽ bị tồn đọng trong khi doanh nghiệp lại đang thiếu vốn thi công.

 Thẩm định tài sản bảo đảm.

Tài sản bảo đảm là một khó khăn cản trở DNNVV vay vốn ngân hàng. Bởi nhiều DNNVV không có tài sản bảo đảm hoặc giá trị tài sản bảo đảm so với vốn vay không đáng kể. Đặc biệt, nhằm tránh rủi ro, cán bộ tín dụng thường định giá tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị thực của nó. Hoặc cán bộ tín dụng không có đủ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thẩm định tài sản bảo đảm, nhất là bất động sản và chứng khoán, nên hạn chế DNNV tiếp cận tín dụng ngân hàng. Vậy để đảm bảo tính chính xác khi thẩm định tài sản bảo đảm thì cán bộ tín dụng phải xem xét các yếu tố: quyền sở hữu, tình trạng tài sản, mức độ chuyên môn hoá tài sản, số tiền bảo hiểm, gía trị tài sản, vấn đề thuê mua và thế chấp tài sản, tính lỏng, tính thị trường của tài

sản…. Điều quan trọng là SGD có những điều chỉnh linh hoạt dựa trên cơ sở khung giá Nhà nước và giá thị trường sao cho phù hợp với giá trị thực tế của tài sản.

Tài sản bảo đảm nếu là động sản thường bị hao mòn nhanh. Cán bộ tín dụng cần thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản, đánh giá lại giá trị, trường hợp mà giá trị tài sản không đảm bảo yêu cầu thì yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm tài sản bảo đảm. Đối với tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá, đặc biệt là chứng khoán, phải liên tục cập nhật thông tin về thị giá, tình hình hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành, từ đó điều chỉnh giá trị khoản bảo đảm này.

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sở giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Trang 72 - 75)