Đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm tại các thị

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại công ty Artexport Việt Nam trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế thế giới (2) (Trang 57 - 59)

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU - những thị trường khó tính. Họ không chỉ đòi hỏi sản phẩm đẹp, có chất lượng mà còn phải mang tính mùa vụ và có sự thay đổi liên tục.

Thị trường Nhật Bản: người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc tự nhiên, màu sắc nhẹ nhàng, trang nhã, đồng thời yêu cầu rất cao về chất lượng hàng hóa, độ tinh xảo và tính cá biệt của sản phẩm và rất khắt khe về thời hạn giao hàng. Nếu sai hẹn giao hàng hoặc sai quy cách sản phẩm, ngay lập tức phía Nhật Bản sẽ cắt hợp đồng mua bán. Người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đến 3 yếu tố: sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm và sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất, được người Nhật đặc biệt quan tâm, bởi họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có "hồn", thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và mang nét độc đáo riêng. Để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt, hợp sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày.

Thị trường Hoa Kỳ: người tiêu dùng Hoa Kỳ thích dùng hàng tốt, thân thiện với môi trường nhưng lại không chấp nhận sự tăng giá. Mặt khác, họ cũng rất quan tâm tới tính hữu dụng của hàng thủ công mỹ nghệ. Xuất khẩu vào thị trường này, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phải đối diện với các biện pháp bảo hộ thương mại rất khắt khe như: chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ... Đạo luật Lacey có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/4/2009. Theo đó, các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào quốc gia này sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ. Còn đối với các mặt hàng dệt may, Trung Quốc vừa được Hoa Kỳ dỡ bỏ hạn ngạch khiến nhiều người lo ngại mặt hàng này sẽ ồ ạt từ Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Và như vậy, hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để có thể xâm nhập vào thị trường này, áp lực giảm giá đối với hàng dệt may của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Vì vậy, để xuất khẩu hiệu quả, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chào giá thích hợp, sản phẩm phải độc đáo và khác biệt với hàng cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ.

Thị trường EU: Các nhà nhập khẩu lớn của EU cho rằng yếu tố quan trọng nhất không phải là những sản phẩm khác biệt mà chính là những dịch vụ các doanh nghiệp cung cấp, chẳng hạn như đơn hàng có được sản xuất đúng thời hạn không, tính linh hoạt, các vấn đề về hậu cần cũng như các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của nhà xuất khẩu có tốt không. Bên cạnh đó, vấn đề hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của ta thường phải thông qua kênh trung gian. Xuất khẩu qua tầng nấc trung gian, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ thiệt cả đôi đường: Giá bán thấp, khó có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, mất thương hiệu. Do đó, nhiều doanh nghiệp tuy làm ra được hàng đẹp nhưng vẫn bán giá thấp hơn 10%- 15% cho người khác xuất khẩu vì không tìm được thị

trường tiêu thụ.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại công ty Artexport Việt Nam trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế thế giới (2) (Trang 57 - 59)