III. Các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu
1. Giải pháp về phía Nhà nước
1.1. Đầu tư cho các hoạt động khai thác và xây dựng các nhà máy lọc dầu
Mặt hàng dầu thô là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại giá trị rất cao trong kim ngạch xuất khẩu song doanh thu lại không ổn định, tạo ra nhiều thuận lợi khi mức giá tăng cao và rủi ro khi mức giá xuống thấp. Xác định được tầm quan trọng chiến lược của mặt hàng này trong thời kỳ hội nhập và sự biến động về giá trên thị trường dầu mỏ thế giới nhà nước nên có một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu dầu thô Việt Nam.
Trước hết, nhà nước cần phải có sự đầu tư thích đáng cho hoạt động khai thác và xây dựng các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam. Việc chủ động về nguồn cung dầu sẽ giúp các doanh xuất khẩu dầu thô phát huy hay tận dụng được các lợi thế về doanh thu trong xuất khẩu. Hơn nữa, đầu tư vốn và công nghệ vào hoạt động khai thác dầu thô sẽ giúp nâng cao chất lượng dầu thô xuất khẩu, xây dựng năng lực cạnh tranh cho mặt hàng này trước các đối thủ từ Châu Phi và Trung Đông. Ví dụ như Việt Nam hiện nay đã khai thác được một số lượng lớn dầu thô từ móng granít phong hoá để xuất khẩu song đối tượng này cho đến nay vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo.Việc định hình công nghệ khai thác dầu từ đối tượng móng granít nứt nẻ chỉ mới được bắt đầu, cho nên để tối ưu hoá và thực sự làm chủ công nghệ khai thác các đối tượng này nhà nước cần phải đầu tư nhiều kinh phí và nhiều nỗ lực cho cho công tác nghiên cứu về móng nứt nẻ. Với tất cả các điều kiện trên, việc dự báo khai thác cho các đối
tượng móng granít nứt nẻ luôn chứa đựng tính rủi ro cao và yêu cầu đối với công tác quản lý, giám sát khai thác phải hết sức chặt chẽ và thận trọng.
1.2. Xây dựng cơ quan dự báo về biến động trên thị trường dầu mỏ
Thị trường dầu mỏ thế giới, với những đặc điểm riêng biệt, không ngừng biến động gây ra một sự bất ổn định cho hoạt động của các doanh nghiệp, quốc gia xuất khẩu dầu. Để tận dụng những thuận lợi cũng như hạn chế khó khăn mà các biến động tạo ra, nhà nước cần những theo dõi và dự báo chặt chẽ những biến động trên thị trường dầu, xây dựng một cơ quan chuyên theo dõi những biến động về giá dầu, nguyên nhân của những biến động, dự báo về mức tăng giá hay giảm giá dầu kịp thời cho các doanh nghiệp.
1.3. Các biện pháp về tài chính
Khi giá dầu giảm, thì với các tỷ lệ phân chia sản phẩm đã được định theo tỷ lệ cố định, chi phí đầu tư cho các hoạt động dầu khí cũng phải giảm theo, trong khi nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất và duy trì sửa chữa, bảo dưỡng đặc biệt là cho công tác tìm kiếm thăm dò và gia tăng trữ lượng dầu khí vẫn không giảm. Vì vậy, cần có những giải pháp thích hợp về mặt tài chính:
Thứ nhất, nhà nước cần quy định, khi giá dầu xuống mức quá thấp, chi phí và đầu tư duy trì các hoạt động dầu khí vẫn được đảm bảo theo mức kế hoạch đã được duyệt theo chương trình kế hoạch ngân sách hàng năm, để đảm bảo sản xuất bình thường.
Thứ hai, nguồn để bù đắp có thể hình thành từ khoản thu vượt mức do giá dầu tăng cao. Có thể hình thành quỹ bù đắp hoặc thành lập quỹ bình ổn cho các hoạt động dầu khí do tăng hoặc giảm giá dầu, nhằm đầu tư vào các hoạt động khai thác bình thường và đặc biệt là cho công tác tìm kiếm thăm dò các lô dầu khí được đánh giá là có tiềm năng hoặc những lô xa bờ.
Thứ ba, cần áp dụng các biện pháp giảm giá thành sản xuất, tăng tỷ trọng dịch vụ trong các hoạt động dầu khí.