Đánh giá hoạt động marketing của Tổng công ty chè Việt Nam trong thời gian qua.

Một phần của tài liệu Đề tài: "Một số biện pháp nhằm tăng thị phần trong nước của Tổng công ty chè Việt Nam" pot (Trang 62 - 65)

Việt Nam trong thời gian qua.

1. Đối với thị trường nước ngoài.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành chè Việt Nam, Tổng công ty chè Việt Nam luôn luôn coi trọng những hoạt động marketing đối với thị trường nước ngoài.

Số lượng bạn hàng xuất khẩu của Tổng công ty rất nhiều, trong đó có những thị trường từ lâu đã tiêu thụ rất nhiều chè của Tổng công ty, nhưng cũng có những thị trường chỉ mới xâm nhập trong thời gian gần đây.

Để thuận tiện trong việc làm ăn với các bạn hàng lớn, Tổng công ty chè Việt Nam đã đặt một số văn phòng đại diện ở Matxcova và ở Luân Đôn. Việc tồn tại những văn phòng đại diện này làm cho việc giao dịch, ký kết hợp đồng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, văn phòng đại diện tại Luân Đôn còn có nhiệm vụ là phải tham gia vào trung tâm đấu giá ở đây để học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng trung tâm đấu giá chè sắp tới ở Việt Nam.

Trong những năm qua, Tổng công ty đã nghiên cứu thăm dò nhu cầu thị trường để hỗ trợ cho công tác xuất khẩu. Chẳng hạn, nghiên cứu về thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường khác nhau cho Tổng công ty những đặc điểm của khách hàng ở các thị trường đó, giúp định hướng xuất khẩu tốt hơn.

Đối với những thị trường khó xâm nhập, Tổng công ty có những chính sách thỏa đáng (phần trăm hoa hồng) cho các trung gian, môi giới để ký kết được các hợp đồng, đồng thời tạo được mối quan hệ làm ăn lâu dài.

Nhu cầu tiêu thụ chè trên thế giới rất lớn, trong khi đó xuất khẩu chè của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2%. Qua nghiên cứu nhu cầu thị trường cùng với khả năng của mình, Tổng công ty đã hoạch định được thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng cho tương lai để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của ngành chè Việt Nam.

2. Đối với thị trường trong nước.

Cuối năm 1999, bộ máy tổ chức của Tổng công ty chè Việt Nam xuất hiện thêm một phòng mới, đó là phòng thị trường. Nếu rà soát lại tất cả các phòng ban của Tổng công ty thì có thể thấy phòng thị trường được xem như có chức năng gần với marketing nhất.

Trong các phòng ban, thì 5 phòng kinh doanh hoạt động tương đối độc lập. Bên cạnh những việc ký kết hợp đồng, thì họ phải kiêm luôn cả công tác marketing, chủ yếu đối với thị trường xuất khẩu. Phòng kinh doanh chè nội tiêu có hoạt động một thời gian, nhưng sau đó do chính sách đẩy mạnh xuất khẩu của Tổng công ty trong thời gian gần đây nên việc tiêu thụ ở thị trường trong nước không thuộc trách nhiệm của riêng phòng nào.

Khi nhận thấy tầm quan trọng của thị trường trong nước, thì việc thành lập phòng thị trường giống như một giải pháp tình thế. Song với số lượng nhân sự chỉ có 4 người, thì việc đảm nhận chức năng marketing cho một Tổng công ty như Vinatea Corp quả là nặng nề, dù chỉ là những hoạt động marketing đối với thị trường trong nước.

Thực tế sau một năm hoạt động, phòng mới chỉ thực hiện tham gia hội chợ và quảng cáo. Những hoạt động này thường không có kế hoạch cụ thể và cũng chưa được hạch toán chi phí. Công việc thường xuyên nhất mà phòng đảm nhận đó là theo dõi sự biến động của giá chè trên thế giới.

Đối với thị trường trong nước thì chức năng nghiên cứu marketing chỉ mang tính chất bị động. Tức là khi nhận thấy một sản phẩm cạnh tranh nào đó đang rất được ưa chuộng trên thị trường, thì Tổng công ty chỉ đạo Viện nghiên cứu chè để chế biến ra một sản phẩm mới cùng loại, rồi tung ra thị trường mà không kèm theo bất kỳ một chương trình quảng cáo hay khuyến mại nào, khiến cho mức tiêu thụ không lớn.

Từ khi thành lập, Tổng công ty đã có ý tưởng tiếp cận với thị trường trong nước bằng cách tổ chức một phòng văn hóa trà ngay cạnh cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội. Nhưng phòng văn hóa trà này tồn tại chỉ là hình thức, vì trong thực tế, hầu như không có khách tới đây. Nguyên nhân là do chưa được tổ chức tốt, thêm vào đó, việc dồn hết nỗ lực cho thị trường xuất khẩu làm cho hoạt động của phòng bị mai một đi sau một thời gian dài không được quan tâm.

Tóm lại, có thể nói rằng, hoạt động marketing mà Tổng công ty thực hiện đối với thị trường trong nước chưa được phong phú và không mang tính chất hoàn chỉnh, do đó chưa khuyến khích được tiêu thụ trong nước.

Chương III

Một số giải pháp cho vấn đề tiêu thụ trong nước của Tổng công ty chè Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đề tài: "Một số biện pháp nhằm tăng thị phần trong nước của Tổng công ty chè Việt Nam" pot (Trang 62 - 65)