ĐẦU CỦA PHÁT TRIỂN
Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên và năng lượng ở nước ta một lần nữa được nêu lên như một cảnh báo cho mục tiêu phát triển bền vững, nhất là trước tình trạng khai thác, sử dụng lãng phí tài nguyên như hiện nay và nguy cơ khủng hoảng năng lượng là có thực.
Mặc dù đa dạng và phong phú, nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đang bị khai thác và sử dụng một cách thiếu bền vững. Tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất và lượng. Việc áp dụng biện pháp khoa học kĩ thuật cũng như quản lý chưa thực sự có hiệu quả, trong khi chưa khai thác được các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo thay thế. Dự tính năm 2015 tại Việt Nam, lượng thiếu hụt nhiên liệu sản xuất điện khoảng 9 tỉ kWh, năm 2020 sẽ từ 35-64 tỉ kWh.
Theo Viện Năng lượng: Lượng dầu khí của Việt Nam chỉ có thể khai thác được trong khoảng 30 năm, than khoáng thì cần phải khai thác ở độ sâu hàng trăm, hàng ngàn mét dưới lòng đất, rất khó khăn. Đến năm 2025, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ vào khoảng 180 MTOE (tương đương 180 triệu tấn dầu), trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng 110 MTOE.
Mỗi năm Việt Nam thiếu khoảng 2% điện. Trong 10 năm nữa, ước tính nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng khoảng 15%-20%/năm. Hiện có nhiều dự án điện được đầu tư nhưng việc cung cấp điện sẽ khó đáp ứng được nhu cầu và phải cần ít nhất là 4 năm để xây dựng, vận hành một nhà máy điện mới. Một số chuyên gia có chung nhận định, nếu không có những giải pháp đột phá thì dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng là điều khó tránh khỏi.
Tiết kiệm đặt lên hàng đầu
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến bức xúc về thực trạng sử dụng nguồn tài nguyên nước hiện nay ở nước ta. Theo các chuyên gia, ước tính có khoảng 37% nước bị mất đi do lãng phí, thậm chí có nơi lên đến 50%. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác. Chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy con người đến gần các rủi ro nguy hiểm. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có tài nguyên nước vào loại trung bình trên thế giới nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững.
Về vấn đề tiết kiệm năng lượng trong đó có tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công nghiệp, Hiện nay, lượng điện năng dùng cho chiếu sáng chiếm tới trên 25% tổng năng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Nhu cầu này sẽ tăng nhanh hơn. Trong khi đó, các phương tiện chiếu sáng vẫn chưa tận dụng tối đa chiếu sáng tự nhiên, mật độ chiếu sáng còn cao (chiếu sáng thừa), vẫn sử dụng phổ biến bóng huỳnh quang T10 và chấn lưu truyền thống, chưa sử dụng nhiều các loại đèn tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao như đèn compact, đèn huỳnh quang T5, không sử dụng điều khiển tự động chiếu sáng tại các khu vực công cộng như khu vệ sinh, sảnh, hành lang, đèn quảng cáo…
Do đó, để dung hòa giữa nguồn điện cấp và nhu cầu sử dụng điện của người dân, thì ý thức sử dụng sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm điện là rất cần thiết. Nếu chuyển sang sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng thì tổng năng lượng có thể tiết kiệm được là một con số đáng kể. Ngoài ra, cần thực hiện triệt để việc chiếu sáng tự nhiên, giảm số lượng đèn để giảm lượng chiếu sáng thừa, chiếu sáng theo công việc (chiếu sáng cục bộ), lựa chọn đèn, bố trí đèn và bộ đèn hiệu suất cao, thiết bị hẹn giờ, bộ chuyển mạch ánh sáng và bộ cảm biến chiếm chỗ.
Đứng trước nguy cơ khủng hoảng về năng lượng, đòi hỏi người tiêu dùng năng lượng phải thực hành tiết kiệm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất, hiện trạng sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu thường tiêu tốn nhiều năng lượng. Chính vì vậy, các hoạt động tiết kiệm năng lượng rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia còn nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng cần phải được tiến hành trước hết ở những lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng như các công trình xây dựng, hoạt động khách sạn, các tập đoàn kinh tế, phương tiện chiếu sáng công cộng…
Vấn đề tiết kiệm năng lượng là một vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt ngành năng lượng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ khoa học Công nghệ môi trường.
Trong nhiều năm qua, các tập đoàn: EVN, PVN, TKV, đã tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả, góp phần làm lợi cho đất nước rất nhiều. Năm 2013, EVN đã tiết kiệm được trên 2,4% trong tổng điện năng phát ra, giảm tổn thất điện năng từ 9% xuống 8% đã làm lợi cho Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng. Nhưng thực tế hiện nay, việc tiết kiệm năng lượng của nước ta còn hết sức lãng phí, trong đó, do ý thức con người, công nghệ lạc hậu của các nhà máy sản xuất công nghiệp, do sử dụng các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, tiêu hao điện năng rất lớn, trong sinh hoạt đa số người dân đang sử dụng các thiết bị không tiết kiệm điện làm cho cường độ tiêu thụ điện hàng năm rất cao, từ đó hệ số đàn hồi của nước ta (tăng trưởng điện năng/tăng trưởng GDP) đang ở mức 2-2,5, trong khi đó, nhiều nước trên thế giới hệ số này đều dưới 1, từ lý do đó làm cho áp lực đầu tư vào ngành điện ở nước ta rất mạnh, nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng chưa cao.
Công nghiệp năng lượng hiện đại là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều ngành, cần thiết cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật, sự phát triển của ngành công nghiệp này có ảnh hưởng rất lớn đến trình độ, cơ cấu và sự phân bố của nền kinh tế. Tài nguyên năng lượng của thế giới rất phong phú và đa
dạng. Ngoài nguồn năng lượng truyền thống như củi, gỗ, than, dầu mỏ, khí đốt, đá cháy, con người đã phát hiện và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới, có hiệu quả cao như năng lượng thuỷ triều, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, năng lượng gió và năng lượng sinh khối... Những tác động về mặt môi trường sinh thái cũng những tiến bộ về khoa học công nghệ đã làm tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng mới. Trên cơ sở đó, cơ cấu sử dụng năng lượng của thế giới đã có nhiều thay đổi theo thời gian.