II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
3. Giải pháp đổi mới công nghệ
3.1. Về công nghệ
Để có được các mặt hàng chất lượng cao, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thì khi nhập những công nghệ, trang thiết bị tiến tiến, ngành phải chú ý xem xét các vấn đề sau:
- Công nghệ nhập có phù hợp với tình hình đất nước và chính sách khoa học công nghệ không.
- Công nghệ nhập có lợi ích cho việc nâng cao trình độ khoa học công nghệ và trinh độ phát triển sản xuất hay không, có kết hợp được với việc nghiên cứu khoa học, sản xuất, và nâng cao khả năng tự mình khai thác phát triển ở trong nước hay không.
- Về tiêu chuẩn của công nghệ nhập, có thể trực tiếp sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, hoặc tiêu chuẩn thông dụng quốc tế hay không; có thể xây dựng, kiện toàn hoặc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn công nghệ nhập trong nước hay không.
- Về lợi ích kinh tế xã hội của công nghệ nhập, công nghệ đó phải phát huy được lợi thế tài nguyên của nước ta, là công nghệ sạch không gây ô nhiễm môi trường.
Khi lựa chọn công nghệ nhập, các doanh nghiệp nên chọn những công nghệ theo đúng yêu cầu về công nghệ của mình thì mới có thể đẩy mạnh được sản xuất, đồng thời tiếp thu và làm chủ được công nghệ nhập. Từ nay đến năm 2010, ngành Dệt may nên coi trọng công nghệ nhập để tạo ra bước phát triển đột phá cho toàn ngành. Ngoài ra, cũng nên chủ động tìm kiếm thông tin về công nghệ hoặc thông qua tư vấn. Các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tiền đề để sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và nhanh chóng đưa vào hoạt động khai thác có hiệu quả. Đồng thời cải tiến và thích ứng công nghệ với điều kiện của nước sở tại. Mỗi công nghệ sinh ra trong một môi trường và ít nhiều phụ thuộc vào môi trường đó. Vì vậy phải có những cải tiến để công nghệ đó thích nghi với điều kiện địa phương. Sự cần thiết và tính hợp lý của hoạt động này được giải quyết tốt nhất bằng cách thử nghiệm và thí nghiệm trong nước. Các doanh nghiệp cần phải thu
thập thông tin, cung cấp tài liệu thích hợp và cộng tác với cơ quan nghiên cứu và triển khai của nhà cung cấp để tìm ra những giải pháp thích hợp.
Một kinh nghiệm cho thấy các doanh nghiệp không nên nhập những công nghệ quá tối tân, hiện đại nhưng so với trình độ của công nhân ở doanh nghiệp mình thì lại có khoảng cách khá xa vì như thế sẽ không làm chủ được công nghệ và cản trở quá trình vận hành.
Ngoài ra, cũng cần phải tổ chức tốt khâu thẩm định, kiểm tra khi nhập công nghệ, tránh tình trạng nhập công nghệ đã cũ và lạc hậu. Bên cạnh đó còn phải chú ý việc tổ chức tốt đội ngũ cán bộ, công nhân để có thể tiếp thu tốt các công nghệ nhập, đưa công nghệ vào sản xuất ổn định. Khi đã nhập công nghệ mới thì doanh nghiệp cũng nên tự sản xuất một số phụ tùng thay thế để phát huy hết công suất của thiết bị và khả năng của công nghệ, tạo sản phẩm giá trị cao.
3.1.2. Công nghệ trong nước
Để phát huy tính chủ động và nâng cao khả năng sáng tạo của doanh nghiệp, đồng thời với công nghệ nhập doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, sáng chế để tạo ra các giải pháp công nghệ, bí quyết sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, tạo mặt hàng có giá trị cạnh tranh cao. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải:
- Đẩy mạnh hoạt động khoa học của các viện nghiên cứu, trường đào tạo, phòng thí nghiệm, trung tâm thông tin, tư vấn để nâng cao hay bổ sung kiến thức, thông tin khoa học công nghệ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật.
- Nghiên cứu cải tiến những thiết bị, công nghệ nằm trong khả năng của Việt Nam.
- Phục hồi, nâng cao các kỹ thuật, công nghệ cổ truyền, mặt hàng truyền thống để tạo ra sản phẩm đặc thù của Việt Nam.
- Phát triển lĩnh vực thiết kế thời trang và mẫu mốt, thường xuyên tìm hiểu về mẫu mới của khu vực và thế giới.
Ngoài các giải pháp trên, việc chuyển giao công nghệ không nên chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nên áp dụng rộng rãi với mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, thực hiện việc chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn lớn sang doanh nghiệp có vốn nhỏ để tiết kiệm chi phí, tạo thị trường chuyển giao công nghệ sôi động và liên tục trong nội bộ ngành, tận dụng được thiết bị và máy móc.