Một số nét về ngành may mặc Việt Nam

Một phần của tài liệu Hoạt động gia công hàng may mặc xuất khẩu của công ty cổ phần May 10: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện (Trang 94 - 96)

I. Cơ sở đề xuất giải pháp

1.Một số nét về ngành may mặc Việt Nam

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn có lịch sử lâu đời, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ năm 1995 tới nay, với những lợi thế so sánh về lao động, chi phí, hàng dệt may Việt Nam đã từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Giá trị hàng dệt may xuất khẩu tăng nhanh, từ 4,32 tỷ USD năm 2004 lên 7,7 tỷ USD năm 2007, qua mặt dầu thô, trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm. Trong lĩnh vực may mặc, Việt Nam đang đứng trong top 10 nước sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành dệt may là thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, trong đó, thị trường Mỹ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu dệt may luôn chiếm từ 50 – 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, với thị trường này hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp những khó khăn trong luật pháp. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đang bị Mỹ áp dụng chế độ giám sát hàng dệt may của Việt Nam để kiểm tra xem hàng Việt Nam có bán phá giá vào thị trường Mỹ hay không. Tuy chỉ đặt chế độ giám sát và 6 tháng đánh giá một lần nhưng đã gây ra không ít khó khăn cho xuất khẩu may mặc vào thị trường này vì các bạn hàng lo sợ về những bất ổn về giá nên các đơn hàng đã giảm đi đáng kể. Tuy vậy với sự chỉ đạo của bộ Công Thương, các doanh nghiệp dệt may nước ta đang cố gắng vượt qua những khó khăn để tiến sâu hơn vào thị trường đầy tiềm năng này.

Một thị trường nữa của xuất khẩu dệt may là thị trường EU. Hiện nay, dệt may Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đầy 1% thị phần châu lục. Tuy nhiên, với thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với việc vào năm 2008, EU sẽ bãi bỏ hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc, nên các quốc gia xuất khẩu dệt may sang thị trường EU trong đó có Việt Nam, sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc EU bãi bỏ hạn ngạch đối với hàng dệt may Trung Quốc, đồng thời áp dụng một hệ thống giám sát “kiểm tra kép” để theo dõi việc cấp phép xuất khẩu hàng dệt may tại Trung Quốc và việc nhập khẩu mặt hàng này vào EU, sẽ tác động đáng kể đến hàng dệt may Việt Nam xuất sang EU, bởi Trung Quốc có năng lực cạnh tranh rất lớn do chủ động được nguyên liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại phẩm cấp hàng hóa.

Thị trường Nhật Bản là một thị trường khó tính với các mặt hàng. Mặt hàng dệt may cũng không phải là ngoại lệ. Xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về kĩ thuật và môi trường rất khắt khe mà ít có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được. Chính vì vậy mà kim ngạch xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.

Dệt may Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 1% thị phần tại thị trường EU, gần 4% thị phần tại thị trường Mỹ, 3% tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì chỉ có khoảng 30% sản phẩm là sản phẩm xuất khẩu trực tiếp, còn lại là đặt hàng gia công. Điều này cho thấy gia công hàng xuất khẩu vẫn là hình thức chủ yếu của xuất khẩu hàng dệt may nước ta. Tuy gia công là phương thức chủ yếu trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam nhưng trong tương lai, các doanh nghiệp và Nhà nước cần có những chiến lược cụ thể để phát triển xuất khẩu may mặc trực tiếp bởi gia công sẽ làm giảm hiệu quả thực sự của hoạt động xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Hoạt động gia công hàng may mặc xuất khẩu của công ty cổ phần May 10: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện (Trang 94 - 96)