Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động thẩm định giá

Một phần của tài liệu Hoàn thiện nội dung xác định giá trị doanh nghiệp cho cổ phần hóa (Trang 73 - 74)

Đào tạo trong mọi lĩnh vực luôn là chiến lược, sách lược mang tính đột phá và đem lại thành quả cao nhất cho tiến trình đổi mới. Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động thẩm định giá cũng là một chiến lược mang tính lâu dài và trước mắt để giải quyết nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện các dịch vụ thẩm định giá có chất lượng; Bộ Tài chính và các doanh nghiệp thẩm định giá cần phải:

3.2.3.1. Bộ Tài chính tổ chức hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, hội thảo về nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá

Thẩm định giá là dịch vụ mới mẻ đối với nước ta nên việc ứng dụng lý luận thẩm định giá quốc tế và khu vực vào thực tiễn thẩm định giá tài sản ở nước ta phải được thực hiện từng bước và cân nhắc để rút ra những kinh nghiệm thực tiễn đối với thẩm định giá từng loại tài sản cụ thể. Do đó, việc tiếp cận và trang bị những kiến thức lý luận cơ bản về thẩm định giá thế giới và khu vực là hết sức cần thiết đối với những người làm công tác quản lý nhà nước về giá và thẩm định viên. Nhập khẩu kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn thẩm định giá thế giới và các nước trong khu vực thông qua hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, hội thảo ở nước ngoài là hình thức cập nhật kiến thức nhanh nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực nhất hiện nay đối với nước ta trong lĩnh vực này.

Vì vậy, Bộ Tài chính cần tổ chức hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học thông qua hình thức đào tạo dài hạn và ngắn hạn, hội thảo về nghiệp vụ chuyên

ngành thẩm định giá tại các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan vì các nước này có nền tảng lý luận và thực tiễn thẩm định giá tương đối vững vàng hơn so với các nước khác trong khu vực. Nguồn kinh phí có thể từ nhiều nguồn khác nhau như kinh phí nhà nước, kinh phí hỗ trợ từ các nguồn của các nước trong khu vực hoặc kinh phí từ doanh nghiệp thẩm định giá hoặc cá nhân thẩm định viên,… Đây là một chiến lược mũi nhọn nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giá và đội ngũ thẩm định viên.

3.2.3.2. Các doanh nghiệp thẩm định giá xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thẩm định giá

Các doanh nghiệp thẩm định giá là nơi đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về thực tiễn thẩm định giá cho thẩm định viên thông qua việc tiếp cận các hồ sơ thẩm định giá tài sản cụ thể. Việc ứng dụng lý luận vào thực tiễn thẩm định giá tài sản được cụ thể hóa trong từng tài sản thẩm định thực tế. Từ đó, có thể thấy rằng doanh nghiệp thẩm định giá là nơi đào tạo ra những thẩm định viên tương lai với kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp cao.

Do đó, các doanh nghiệp thẩm định giá cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về lý luận và thực tiễn thẩm định giá một cách thường xuyên nhằm cập nhật kiến thức cho đội ngũ thẩm định viên bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp hoặc của cá nhân thẩm định viên. Với đội ngũ thẩm định viên vững vàng về lý luận và dày dạn kinh nghiệm về thực tiễn thẩm định giá sẽ nâng cao chất lượng của dịch vụ cung cấp cho khách hàng, góp phần đẩy nhanh tiến trình CPH, gắn với niêm yết trên TTCK và thị trường vốn.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện nội dung xác định giá trị doanh nghiệp cho cổ phần hóa (Trang 73 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)