THỰC TRẠNG ÁP DỤNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
2.1.2. Khó khăn trong việc hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo Chuẩn mực kế toán 17.
mực kế toán 17.
Khác với nhiều chuẩn mực kế toán, mà doanh nghiệp có thể dễ dàng áp dụng trong thực tiễn sau khi có thông tư hướng dẫn, Chuẩn mực Kế toán số 17 - Thuế thu nhập doanh nghiệp được các doanh nghiệp cho là rất khó ngay cả sau khi đã có thông tư hướng dẫn. Một trong những lý do chính là do các doanh nghiệp chưa
được trang bị một phương pháp phù hợp để hạch toán Thuế thu nhập doanh nghiệp. Chuẩn mực kế toán số 17 chỉ quy định các nguyên tắc trong hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư số 20/2006/TT-BTC hướng dẫn chi tiết cách hạch toán thuế
vào từng tài khoản. Còn phần quan trọng nhất là làm thế nào để xác định được các số liệu để hạch toán vào từng tài khoản thì lại chưa được hướng dẫn cụ thể và có hệ
thống. Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn khi các khái niệm trong Chuẩn mực 17 và Thông tư hướng dẫn đều khá mới mẻ, mang tính kỹ thuật cao và chưa thực sự có hệ
thống. Cụ thể, khi giải thích hai khái niệm chênh lệch tạm thời và chênh lệch vĩnh viễn, cả Chuẩn mực và Thông tưđều chỉ đề cập đến sự khác biệt giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán, tức là các khoản mục trên Báo cáo kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, khi hướng dẫn xác định chênh lệch thì lại sử dụng khái niệm cơ sở tính thuế của tài sản và nợ phải trả, tức các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán. Sự
thiếu đồng bộ này khiến cho các doanh nghiệp rất lúng túng trong việc xác định chênh lệch tạm thời để xác định thuế thu nhập hoãn lại.
Những lúng túng này sẽ có thể tránh được nếu như những người làm công tác kế toán phân biệt rõ được giữa nguyên tắc kế toán thuế và phương pháp kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Về nguyên tắc, chênh lệch tạm thời là chênh lệch về
thời gian giữa thu nhập tính thuế và thu nhập kế toán, vì vậy có thể xác định các chênh lệch này dựa trên Báo cáo Kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, do những chênh
lệch này có tính chất lũy kế qua nhiều kỳ kế toán nên việc xác định chênh lệch trực tiếp thông qua Báo cáo Kết quả kinh doanh rất phức tạp và không hiệu quả. Thay vào đó Phương pháp Bảng Cân đối kế toán được sử dụng để xác định các chênh lệch tạm thời thông qua việc sử dụng khái niệm cơ sở tính thuế của tài sản và nợ
phải trả. Như vậy, có thể thấy rõ nguyên tắc của kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp là phải xác định chênh lệch tạm thời (giữa thu nhập kế toán và lợi nhuận tính thuế), và phương pháp để xác định các chênh lệch đó là dựa vào Bảng Cân đối kế toán, tức là xuất phát điểm của kế toán khi xác định các chênh lệch tạm thời chịu thuế và
được khấu trừ là Bảng Cân đối kế toán chứ không phải Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh.