NHẬN DẠNG NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CỦA TIẾN TRÌNH HỘI TỤ KẾ TOÁN QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Một số định hướng cho Kế toán Việt Nam trong tiến trình hội tụ kế toán quốc tế (Trang 70 - 72)

TRÌNH HỘI TỤ KẾ TOÁN QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

Việt Nam là quốc gia chuyển đổi từ mô hình nền kinh tế kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường. Xét về phương diện lịch sử Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, có thuận lợi là có thể chọn lựa con đường xây dựng chuẩn mực quốc gia trên cơ sở chuẩn mực quốc tế từ đó đem đến sự hội tụ với chuẩn mực quốc tế và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước mà điển hình là Trung Quốc. Tuy nhiên quá trình này cũng đem đến nhiều thách thức, đó là:

Những đặc điểm riêng trong môi trường kinh doanh, hệ thống pháp lý và các yếu tố văn hóa xã hội như phân tích trên, chẳng hạn thị trường tài chính phát triển chưa cao, biến động giá cả thị trường không khách quan, ảnh hưởng của thuế đến kế toán mạnh, sự phát triển của hội nghề nghiệp chưa lớn mạnh… là một trở ngại lớn trong tiến trình hội tụ kế toán quốc tế.

Các chuẩn mực kế toán quốc tế được thiết lập trên cơ sở một nền kinh tế thị trường phát triển dù rằng đến thời điểm này, IASB có cân nhắc đến các nền kinh tế mới nổi nhưng dù sao đi nữa thì đối với nền kinh tế chưa hình thành đầy đủ các yếu tố thị trường việc áp dụng toàn văn chuẩn mực kế toán quốc tế không phải là câu chuyện “một sớm một chiều”.

Có một khoảng cách khá lớn giữa hệ thống kế toán của Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành dẫn đến những hạn chế trong nhận thức cũng như nhân lực, đây là một khó khăn khi đưa chuẩn mực vào trong thực tiễn. Trình độ nguồn nhân lực kế toán quốc gia là cơ sở để bảo đảm sự hiểu biết và giải thích đúng đắn cũng như sự áp dụng nhất quán các chuẩn mực. Vì vậy, xác lập các chuẩn mực kế toán quốc gia hội tụ kế toán quốc tế không chỉ dừng lại ở chỗ ban hành các chuẩn mực kết hợp chặt chẽ với chuẩn mực kế toán quốc tế mà còn là xây dựng “cơ sở hạ tầng” để phục vụ cho hệ thống đi vào hoạt động, chẳng hạn nâng cao trình độ của các đối tượng liên quan, bao gồm các quy định về chất lượng đối tượng hành nghề, việc huấn luyện đào tạo trong quá trình làm việc, các quy định kiểm soát chất lượng kế toán. Về cơ bản, hiện nay ở Việt Nam, Bộ tài chính cũng đã ban hành quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán cũng như thời gian cập nhật các kiến thức. Đây có thể đánh giá là một thuận lợi để triển khai các dự án xa hơn để nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Thuận lợi kế tiếp đó chính là sự phát triển của công ty cổ phần và thị trường chứng khoán ở Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này sẽ thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế theo khuyến nghị của IOSCO mà Việt Nam đã là quốc gia thành viên của tổ chức này nhằm đảm bảo thông tin tài chính cung cấp cho các nhà đầu tư là minh bạch và có thể so sánh.

Một phần của tài liệu Một số định hướng cho Kế toán Việt Nam trong tiến trình hội tụ kế toán quốc tế (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)