II/ VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
a) Những kết quả đạt được
- Thực hiện Nghị định số 388/HĐBT ngày 20/11/1991 về quy chế thành lập và giải thể DNNN, tính đến cuối năm 1994 so với năm 1989 cả nước đã giảm từ 12.296 DNNN xuống còn khoảng 6.300 DNNN, như vậy, số DNNN đã giảm 51%. Từ cuối năm 1995 đến nay chúng ta vẫn kiên trì thực hiện sắp xếp DNNN, đặc biệt là áp dụng các hình thức cổ phần hoá, giải thể các DNNN thuộc diện thua lỗ, không có khả năng thanh toán, thí điểm vận dụng các hình thức bán khoán, cho thuê DNNN. Việc sắp xếp DNNN được các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt các Chỉ thị số 500/TTg ngày 25/05/1995, Chỉ thị số 20/TTg ngày 21/04/1998,…Tính đến thời điểm đầu năm 1999 trên cả nước chỉ còn lại 5.500 DNNN, trong đó có hơn 30% thuộc Trung ương quản lý và gần 70% do các địa phương quản lý.
Việc đổi mới sắp xếp lại các DNNN đã làm giảm bớt những trợ cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ các khoản trợ cấp trực tiếp từ NSNN cho các DNNN giảm từ 8,5% GDP xuống 0,5% GDP. Trong khi đó đóng góp của DNNN vào GDP tăng từ 32,5% năm 1990 lên 42,3% năm 1995.
- Hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNN được nâng cao hơn so với trước đây, thể hiện ở việc tăng tỷ trọng DNNN có lãi, giảm tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ, tăng số lãi tuyệt đối nói chung vào lãi nộp ngân sách của DNNN, hiệu quả sử dụng vốn được nâng cao. Cụ thể:
Đến cuối năm 1994 mỗi DNNN có bình quân khoảng 8 tỷ đồng tiền vốn (trước đây khoảng 3,3 tỷ). Số doanh nghiệp có dưới 100 lao động giảm đáng kể, doanh nghiệp có từ 500-1000 lao động tăng. DNNN do trung ương quản lý có vốn từ 8,2 tỷ đồng tăng lên 20 tỷ đồng, DNNN do địa phương quản lý có vốn từ 1,5 tỷ đồng tăng lên 3 tỷ đồng.
Hiệu quả sử dụng đồng vốn được cải thiện nhất định, tỷ suất lợi nhuận thực hiện so với doanh thu tăng từ 3,61% năm 1990 lên 4,98% năm 1994. Trong năm 1995, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 19,2% và trên doanh thu đạt 5,55%. Nếu ở năm 1992, một đồng vốn của nhà nước tạo ra 2,41 đồng doanh thu, 0,07 đồng lợi nhuận và 0,18 đồng nộp NSNN; thì đến năm 1997, một đồng vốn nhà nước đã tạo ra 3,58% đồng doanh thu, 0,2 đồng lợi nhuận và 0,325% đồng nộp ngân sách. Thu nộp NSNN của DNNN và tỷ lệ nộp ngân sách so với doanh thu không ngừng tăng từ 13,36% năm 1990 lên 16,83% năm 1995.
Số DNNN làm ăn có lãi tăng từ 65,3%năm 1991 đến 79% năm 1995, lãi ròng trong khu vực này tăng từ 3.275 tỷ đồng năm 1992 lên 7.175 tỷ đồng năm 1994 và tăng 13.480 tỷ đồng trong năm 1995. Số doanh nghiệp bị lỗ giảm từ 24,26% năm 1991 xuống còn 16,5% năm 1995.
- Trong thời gian qua Chính phủ đã thành lập 18 Tổng công ty có qui mô quốc gia (QĐ 91/TTg) và 73 Tổng công ty có qui mô nhỏ hơn (QĐ 90/TTg) nhằm tập trung vốn, kỹ thuật để tăng cường sức cạnh tranh và định hướng chiến lược của nhà nước trong các ngành kinh tế quan trọng. Các Tổng công ty nhà nước này thu hút gần 2000 DNNN, chiếm khoảng 30% tổng số DNNN đang hoạt động và khoảng 70% DNNN do trung ương quản lý. Các Tổng công ty nhà nước hiện nay chiếm khoảng 80% sản lượng và vốn của khu vực DNNN, có khả năng chi phối vào toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
- Quyền tự chủ về sản xuất kinh doanh và về tài chính của DNNN đã được tăng cường, nhận thức của các DNNN đã thay đổi (từ mang tính chất bao cấp sang tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình). Cơ cấu kinh tế nói chung và trong khu vực kinh tế quốc doanh nói riêng đang chuyển biến theo hướng có lợi cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Các DNNN hiện nay đã và đang chiếm một tỷ lệ lớn trong lĩnh vực XNK góp phần tăng nhanh nguồn vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đóng góp vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.