CDMA là một hệ thống bị hạn chế của nhiễu giao thoa, vì tất cả MS đều phát ở cùng tần số. Nhiễu giao thoa trong mạng đóng vai trò rất quan trọng để xác định dung lượng hệ thống và chất lượng thoại. Công suất phát từ mỗi MS
phải được điều khiển để hạn chế nhiễu giao thoa. Tuy nhiên mức công suất phải phù hợp để thoả mãn chất lượng thoại.
Khi MS chuyển động, môi trường vô tuyến thay đổi liên tục do pha đinh nhanh và chậm, che tối, nhiễu ngoài và các yếu tố khác. Mục tiêu của điều khiển công suất là giới hạn công suất phát trên đường lên và đường xuống trong khi vẫn duy trì chất lượng đường truyền ở mọi điều kiện. DO tách sóng không nhất quán ở BS, nhiễu giao thoa ở đường lên nguy hiểm hơn ở đường xuống. Vì thế điều khiển công suất đường lên là quan trọng đối với hệ thống CDMA và bắt buộc ở IS-95.
Điều khiển công suất cũng cần có trong các hệ thống CDMA để giải quyết hiệu ứng gần xa. Để giảm thiểu hiệu ứng gần xa, mục đích của hệ thống CDMA đảm bảo rằng tất cả các MS đạt được cùng công suất thu tại các BS. Giá trị đích của công suất thu phải là mức tối thiểu còn cho phép đường truyền đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng do người sử dụng định nghĩa (BER, FER, dung lượng, tốc độ rớt cuộc gọi và vùng phủ). Để thực hiện chiến lược như vậy, các MS gần BS hơn phải phát sóng thấp hơn các MS xa BS.
Chất lượng thoại liên quan đến tỷ lệ lỗi khung (FER) ở cả đường xuống và đường lên. FER liên quan mật thiết với Eb/It. FER cũng phụ thuộc vào tốc độ ô tô, điều kiện truyền sóng địa phương và phân bố của các MS đồng kênh khác. Vì FER là số đo trực tiếp của chất lượng tín hiệu, chất lượng thoại ở hệ thống CDMA được đo theo FER chứ không theo Eb/It. Vậy để đảm bảo chất lượng tín hiệu tốt, chỉ duy trì Eb/It đích thì chưa đủ, mà còn phải áp dụng cả FER. Giới hạn chất lượng theo khuyến nghị là:
• Dải FER thông thường: 0,2% đến 3% (mức công suất tối ưu đạt được khi FER ≤ 1%).
• Độ dài cực đại của cụm lỗi: 3 đến 4 khung (giá trị tối ưu của cụm lỗi đạt = 2 khung).