Kết luận về quản lý đăng ký tài nguyên trong mạng DiffSer

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ TÀI NGUYÊN TRONG MẠNG DIFFSERV IP (Trang 27 - 29)

Kiến trúc DiffServ tuy là một lược đồ hiện thực IP QoS chiếm ưu thế hiện nay, nhưng lại khó đảm bảo một QoS từ đầu cuối đến đầu cuối (end-to-end QoS) vì không có cơ chế quản lý đăng ký tài nguyên. Trong nỗ lực cải thiện sự yếu kém này, có nhiều đề xuất để bổ sung cơ chế kiểm soát đăng ký tài nguyên cho DiffServ hay còn gọi là điều khiển chấp nhận các yêu cầu QoS từ user. Các giải pháp được đề nghị cho đến nay thể hiện thành hai nhóm: tập trung và phân tán. Trong đó, giải pháp tập trung đưa ra khái niệm Bandwidth Broker, là thành phần trung tâm nắm toàn bộ tài nguyên và có quyền đưa ra các quết định chấp nhận hay từ chối. Giải pháp điều khiển chấp nhận tập trung này vấp phải khuyết điểm là tạo ra một điểm lỗi nhạy cảm cho toàn bộ hệ thống. Có nghĩa là nếu Bandwidth Broker bị lỗi thì toàn bộ domain bị tê liệt.

Các giải pháp điều khiển chấp nhận phân tán chia sẻ ý tưởng không cần sự cộng tác giữa các router bên trong (core router) và đẩy quyết định chấp nhận hay từ chối về phía các router biên (edge router) của mạng IP. Các giải pháp này khác nhau về mức độ phức tạp của các router bên trong mạng và kết quả là tính bền vững và hiệu quả trong việc điều khiển lưu lượng khác nhau. Giải pháp GRIP và cơ cấu RMD được trình bày trên đây mang tính tiêu biểu cho các giải pháp điều khiển chấp nhận phân tán. Hai giải pháp này như là sự đúc kết từ các phương pháp khác được đề xuất trước để đưa ra các khái niệm mới có nhiều ưu điểm hơn.

Tuy nhiên, GRIP và RMD vẫn còn tồn tại các hạn chế cần phải vượt qua để trở thành hiện thực. Một vấn đề đối với RMD là khi các ứng dụng yêu cầu nhiều đơn vị đăng ký, mà mỗi đơn vị đăng ký lại cần gửi đi một gói yêu cầu, điều này làm giảm hiệu suất hệ thống. RMD còn gặp phải khó khăn về quá độ (transient) khi tài nguyên được cập nhật nhưng chưa có tải thực sự trong một khoảng thời gian, nếu xuất hiện nhiều đăng ký trong một khoảng thời gian ngắn, sẽ dẫn đến sự cho phép quá khả năng của hệ thống dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về QoS khi tất cả luồng đã được chấp nhận đồng loạt phát số liệu. GRIP cũng mắc phải vấn đề quá độ tương tự và đã dùng giải pháp ngăn xếp (stack) để khắc phục, nhưng ngăn xếp lại khiến cho hiệu quả sử dụng tài nguyên giảm.

Bổ sung cơ chế điều khiển chấp nhận cho DiffServ là điều hiển nhiên và hết sức cấp thiết nhằm đạt được một giải pháp QoS hoàn chỉnh cho mạng IP. Nhưng công việc tìm kiếm cơ chế điều khiển hiệu quả vẫn chưa kết thúc. Rất cần các thiết kế nhằm hài hòa được các yếu tố chất lượng liên quan trong một môi trường mang đặc thù của dịch vụ DiffServ.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ TÀI NGUYÊN TRONG MẠNG DIFFSERV IP (Trang 27 - 29)