Những năm trước đây, Việt Nam đã hứng chịu nhiều thiệt hại do các cuộc tấn công của các loại virus các ngày 25/11/1997, 25/11/1998 của virus Date. Mặc dầu đã được cảnh báo trước, dữ liệu của hàng ngàn PC ở Việt Nam vẫn bị xóa. Các ngày 26/4/1999, 26/4/2000 virus Chernobyl đã phá hỏng dữ liệu hàng ngàn PC mặc dù cũng đã biết trước qua mạng thông tin đại chúng. Các virus Melissa (1999), LoveLetter (2000), Code Red (2001) và Nimda đã từng làm ảnh hưởng đến lưu lượng Internet.
Năm 1999, một ISP ở Việt Nam đã bị tấn công, ngừng hoạt động 1 tuần lễ. Năm 2005 một số Website của Chính quyền đã bị tấn công bởi hackers Thổ nhĩ Kỳ.
Mới đây (8/2008) tin tặc đã tấn công vào lỗ hổng trong hệ thống tên miền Internet ( DNS) để chuyển hướng người dùng sang các trang web giả mạo độc hại và đã làm tê liệt gần 8.000 website của Việt Nam.
Virus nội được biết đến từ lâu, sự kiện tác giả phát tán virus “gái xinh” bị bắt đánh dấu nhận thức mới về an toàn mạng.
Các hình thức tấn công mạng như DDoS, đột nhập website, thâm nhập mạng, spam…vẫn phổ biến và một số trường hợp đã được các cơ quan bảo vệ an toàn mạng và bảo vệ pháp luật quan tâm xử lý.
Theo số liệu tổng kết, thống kê an ninh mạng 2007 của Trung tâm An ninh mạng BKIS [10], trong năm 2007 Việt Nam số máy tính bị nhiễm virus là 33.646.000 lượt máy tính. Số virus mới xuất hiện trong năm là 6.752 virus. Số virus xuất hiện trong một ngày là 18,48 virus mới. Virus lây truyền nhiều nhất trong năm là W32.Winib.Worm,
lây nhiễm 511.000 máy tính. Và cũng theo quan sát của BKIS số website Việt Nam bị hacker trong nước tấn công năm 2007 là 118 website. Số website Việt Nam bị hacker nước ngoài tấn công năm 2007 là 224 website và số website Bkis phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng là 140 website.
Hình 5. Tỷ lệ phần trăm máy tính ở các ngành ở Việt Nam bị nhiễm vi rút