3. Khuyến nghị
3.1. Đối với các cơ quan quản lý vĩ mô
Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có một môi trường pháp lý ổn định và đồng bộ, đảm bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng trước pháp luật, các quan hệ kinh tế xã hội được điều chỉnh theo định hướng XHCN.
- Thứ nhất: Hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định đồng bộ và nhất quán
Trách nhiệm về hành chính và kinh tế cần được quy định rõ ràng đối với các cơ quan, cá nhân ban hành văn bản, ra quyết định như quyết định thành lập doanh nghiệp, cấy giấy phép kinh doanh, thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư ký xét duyệt các hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn, cấp vốn... Từng bước đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn sản xuất xã hội bằng việc triển khai nghiệm minh và đồng bộ giữa các cơ quan hành pháp, bắt đầu từ công an, hải quan, biên phòng, thuế vụ. Triệt để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu trốn thuế, làm hàng giả gây hậu quả trực tiếp và gián tiếp đến tín dụng ngân hàng.
Theo điều 12 NĐ 178 về việc giữ tài sản và giấy tờ của tài sản cầm cố thế chấp có quy định "Nếu tài sản có đăng ký quyền sở hữu... tổ chức tín dụng phải giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản". Thực tế hiện nay, các tổ chức tín dụng chưa nắm rõ được danh mục các tài sản theo quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cơ quan chức năng cấp chứng nhận quyền sở hữu đó. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành văn bản pháp lý quy định cụ thể về đăng ký quyền sở hữu tài sản.
Để đảm bảo tín dụng tài trợ XNK của NHTM có hiệu quả, trước hết chính sách XNK cần được hoàn thiện đồng bộ với chiến lược phát triển và kế hoạch của nền kinh tế quốc dân. Rà soát lại khả năng của các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh XNK và cho phép các doanh nghiệp có hàng XNK ổn định được phép XNK trực tiếp. Bộ thương mại cần quy định trách nhiệm cho các cơ quan cấp giấy phép đối với chất lượng và giá cả hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là thiết bị công nghệ.
- Thứ hai: Chính sách trợ giá và bảo hiểm XNK
Có thể nói, một số hàng xuất khẩu của ta hiện nay chịu thua thiệt nhiều do thiếu vốn và cơ chế chính sách, đặc biệt là mặt hàng nông sản: gạo, cà phê, hạt điều... Những dự án nhập khẩu thiết bị đòi hỏi phải được đầu tư đồng bộ tránh tình trạng như nhiều dự án do Chi nhánh cho vay đều chậm tiến độ thi công, các nguồn
đầu vào (nguyên liệu, nhân lực, cán bộ chuyên gia lành nghề) chưa được quy hoạch hợp lý trong khi hạn vay của các khoản tín dụng trong nước đã hết hạn, gây khó khăn cho ngân hàng.
Nhằm bảo hiểm và khuyến khích hoá XNK Việt Nam, nhất là đối với hàng nông sản cần nhanh chóng thành lập tổ chức bảo hiểm xuất khẩu với các thành viên chủ yếu từ Chính phủ, các ngân hàng, Bộ Thương mại và các bộ ngành liên quan thực hiện hai chức năng cơ bản sau:
+ Tư vấn và thông tin tiếp thị cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh XNK
+ Cấp tín dụng người mua và bảo hiểm hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam
- Thứ ba: Nhà nước cần nhanh chóng thực thi các biện pháp xử lý tài sản thế chấp
Hiện nay số lượng tài sản thế chấp ở ngân hàng khó lớn, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo nghị định 178/1999/NĐ-CP, khi khách hàng không trả được nợ thì tổ chức tín dụng được xử lý tài sản thế chấp thu hồi vốn. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý tài sản thế chấp theo đúng trình tự pháp luật để ngân hàng thu hồi vốn hiện còn rất phức tạp, nên hầu hết việc xử lý tài sản thế chấp đều được thực hiện theo phương thức thoả thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay, để khách hàng tự nguyện bán tài sản thế chấp trả nợ ngân hàng... song số lượng này không nhiều. Nhà nước cần thường xuyên giám sát, thanh tra các hoạt động tín dụng của ngân hàng từ khâu đầu cho đến khâu tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp. Cần đơn giản hoá các thủ tục hành chính pháp lý để tạo điều kiện cho tài sản được mua bán chuyển nhượng dễ dàng, góp phần giảm nợ quá hạn của ngân hàng xuống đến mức cho phép tài sản mang tính hình thức thủ tục trong việc vay vốn của ngân hàng.