Phương pháp khoanh vẽ ranh giới các loại đất đai

Một phần của tài liệu Công tác điều tra rừng ở Việt Nam (Trang 48)

1. Điều tra rừng cục bộ

1.8.Phương pháp khoanh vẽ ranh giới các loại đất đai

Mục đích của việc khoanh vẽ đất đai nhằm xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất làm cơ sở thống kê diện tích các loại đai và thiết kế kinh doanh rừng.

Đối với vùng có ảnh máy bay, khoanh vẽ và xác định diện tích được thực hiện theo trình tự sau đây (1) xác định trên ảnh các đơn vị phân chia theo lãnh thổ từ tiểu khu đến phân khoảnh; (2) giải đoán ảnh theo khoá mẫu ảnh thích hợp và định giới các loại đất đai và trạng thái thực bì trên ảnh sau đó mang ảnh ra thực địa chỉnh lý các sai sót; (3) Chuyển hoạ toàn bộ nội dung giải đoán đã được chỉnh lý từ ảnh lên bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000.

Đối với vùng không có ảnh máy bay, cần (1) xác định ranh giới phân chia lãnh thổ như trên bản đồ địa hình; (2) sử dụng bản đồ địa hình, địa bàn, máy định vị GPS...để phân chia lô rừng và đất rừng lên bản đồ ngoại nghiệp ở ngay thực địa bằng một trong hai phương pháp sau (a) Khoanh theo dốc đối diện được áp dụng với những khu rừng phân bố tại những nơi có địa hình dễ nhận dạng và thực bì không giới hạn tầm quan sát; (b) Khoanh theo tuyến điều tra được áp dụng ở những nơi địa hình khó nhận dạng hoặc tầm quan sát bị hạn chế như vùng bằng, vùng đồi bát úp hoặc thực bì rậm rạp và phức tạp. Hệ thống tuyến điều tra được mở cho từng khoảnh và không được song song với đường đồng mức của hệ thống dông chính, nhằm đảm bảo nó có thể đi qua hầu hết các dạng địa hình khác nhau trong khoảnh. Các tuyến trong khoảnh phải song song, khoảng cách giữa các tuyến được quy định cụ thể thích hợp với đặc điểm tài nguyên và địa hình của từng vùng ; (3) Chuyển nội dung khoanh vẽ từ bản đồ ngoại nghiệp lên bản đồ cơ bản 1:10.000. Sai số cho phép về khoanh vẽ diện tích giữa bản đồ và thực địa lớn nhất là 10%.

Bản đồ hiện trạng rừng sau khi đã chỉnh sửa, đạt độ chính xác cho phép sẽ được tính diện tích các loại đất, loại rừng. Có thể tính diện tích theo phương pháp thủ công bằng cách đếm theo lưới điểm 2mmx2mm để suy ra ra diện tích; hoặc số hoá bản đồ vào máy tính và tính diện tích trên máy theo chức năng của các phần mềm GIS chuyên dụng.

Nguyên tắc tính diện tích trên bản đồ bằng phương pháp thủ công là đo và tính diện tích các đơn vị phân chia lớn trước, sau đó dùng kết quả để khống chế các đơn vị nhỏ hơn.

Thành quả gồm (1) bản đồ hiện trạng rừng và sử dụng đất, tỷ lệ gốc 1.10.000; (2) Bảng thống kê diện tích các loại đất đai theo lô, phân khoảnh, khoảnh, tiểu khu, xã...

Một phần của tài liệu Công tác điều tra rừng ở Việt Nam (Trang 48)