1. Vai trò phân tích kinh tế trong ngành Lâm nghiệp
1.4.2. Phân tích tài chính:
Tài chính trong hệ thống quản lý là một trong những phương pháp rất quan trọng để hình thành và bảo đảm các tỷ lệ trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Thông qua tài chính, người ta kích thích các tập thể và từng thành viên của tập thể quan tâm đến việc hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch tập trung và nâng cao tối đa hiệu quả sản xuất, cũng như thực hiện sự kiểm soát của Nhà nước nói chung đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
Tài chính là yếu tố quan trọng của tính cân đối và tính hiệu quả của nền kinh tế, nó phản ánh lợi ích toàn dân, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, đồng thời phục vụ việc thực hiện các quy luật kinh tế.
Trong điều kiện quan hệ hàng hoá - tiền tệ, tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Muốn có nguồn đầu tư, có vật tư cần thiết, có lao động... thì phải có nguồn vốn tài chính để thanh toán.
Nguồn tài chính dùng để thanh toán các nguồn vật tư và lao động (trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng) được hình thành trước hết dựa vào sự tuần hoàn vốn của nền kinh tế quốc dân nói chung và của mỗi cơ sở kinh doanh nói riêng.
Việc thực hiện sản phẩm là giai đoạn kết thúc của vòng tuần hoàn. Trong giai đoạn tiếp sau, tiền thu được do thực hiện sản phẩm cần phải được phân chia thành các quỹ có mục đích nhằm bảo đảm tính đều đặn của quá trình tuần hoàn vốn, và do đó duy trì quá trình sản xuất liên tục.
Tiền doanh thu trước hết phải bảo đảm khôi phục quỹ bù đắp các nguồn vật tư hao phí (nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng bổ sung và nhiên liệu... ). Ngoài ra, trong số tiền doanh thu đó còn có quỹ trả công lao động (tiền lương) và vốn để khôi phục tài sản cố định sản xuất (quỹ khấu hao). Sau khi trích lập 3 quỹ kể trên, số tiền doanh thu còn lại là thu nhập thuần tuý được thực hiện nhờ kết quả của việc tuần hoàn vốn.
Trong quá trình đầu tư cho lâm nghiệp, nếu chúng ta chỉ đơn thuần là thu nhập bằng tiền (đếm được) cho những sản phẩm rừng công nghiệp, còn nói chung là sản phẩm xã hội (rừng
phòng hộ, rừng đặc dụng, môi trường sinh thái...) mọi người cùng thừa hưởng (trong nước, khu vực và toàn cầu) phải đặc biệt quan tâm.
Phân phối lần đầu thu nhập thuần tuý chưa đáp ứng được những nhu cầu của sự phát triển xã hội, chưa đáp ứng nhu cầu tái sản xuất mở rộng cho nên cần phải có cơ chế phân phối lại thu nhập thuần tuý, nó bảo đảm phân phối thu nhập thuần tuý phù hợp với các nhu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình tuần hoàn vốn của các cơ sở kinh doanh có thể xuất hiện sự nhàn rỗi tạm thời của vốn tiền tệ, ngược lại còn có thể xuất hiện nhu cầu tạm thời về tăng thêm vốn. Đặc điểm đó của tuần hoàn vốn ở các đơn vị kinh doanh là cơ sở hoạt động của tín dụng ngắn hạn và là cơ sở khách quan để hình thành vốn cho vay tập trung trong tay Nhà nước. Vốn tiền tệ tạm thời nhàn rỗi trong dân cư được tích luỹ ở hệ thống quỹ tiết kiệm của Nhà nước, quỹ này đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành vốn cho vay tập trung.