Pháp luật được đặt ra là để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội. Do vậy tất cả mọi hoạt động của ngân hàng đều chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Cụ thể là Luật các tổ chức tín dụng (1997), Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính (1990), Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1998), các văn bản pháp luật khác như: chỉ thị, thông tư...Lĩnh vực hoạt động của ngân hàng là vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, vì vậy các hoạt động của ngân hàng luôn được Nhà nước quản lý chặt chẽ bằng các văn bản pháp quy. Mỗi văn bản đều có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của Ngân hàng, cụ thể là hoạt động huy động vốn.
Chính phủ đề ra chính sách tiền tệ quốc gia và hệ thống ngân hàng là công cụ đắc lực để thực hiện. Chẳng hạn khi nền kinh tế lạm phát tăng, Nhà nước có chính
sách thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất tiền gửi để thu hút tiền ngoài xã hội thì lúc đó ngân hàng thương mại huy động vốn dễ dàng hơn. Hoặc khi Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất thì ngân hàng khó huy động vốn hơn vì người có tiền nhàn rỗi họ bỏ tiền vào sản xuất có lợi hơn gửi ngân hàng
Các quy định của pháp luật đòi hỏi các ngân hàng thương mại luôn phải tuân thủ. Pháp luật quy định số tiền huy động của ngân hàng không được lớn hơn 20 lần vốn chủ sở hữu. Hay thông qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc chính phủ điều chỉnh việc cung ứng tiền cho nền kinh tế. Việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay lãi suất tái chiết khấu là tuỳ theo định hướng phát triển của từng thời kỳ. Các chính sách đầu tư, ưu đãi, ưu tiên phát triển mũi nhọn... cũng ảnh hưởng sâu sắc tới việc huy động vốn của ngân hàng thương mại. Nói chung bất cứ ngân hàng thương mại nào khi cần huy động vốn đều phải xem xét các quy định của luật pháp.