5. Các bước thực hiện
3.3.3. Cánh đồng điện gió Phú Quý Bình Thuận
Huyện đảo Phú Quý (Tỉnh Bình Thuận) là một quần thể gồm 10 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó, chỉ đảo lớn Phú Quý là có dân cư. Huyện có 3 xã, 10 thôn, 5.466 hộ với số dân gần 27.000 người, đa số sống bằng nghề đánh bắt và các dịch vụ hậu cần nghề biển. Theo đánh giá của PV Power, Phú Quý là đảo có tiềm năng điện gió dồi dào. Tốc độ gió trung bình năm ở độ cao 60m là trên 9,2m/s. Bình quân khoảng 116 ngày/năm có vận tốc gió trung bình < 3 m/s (ở độ cao 12 m). Với 2 hướng gió chủ đạo theo mùa là Tây- Nam, Đông-Bắc và số thời gian có vận tốc gió hữu dụng khoảng 93% là điều kiện lý tưởng để đầu tư nhà máy điện gió. Theo đề án qui hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, PV Power cho biết, sau khi hoàn thành, dự án Phú Quý sẽ cung cấp sản lượng điện bình quân là 25 GWh/năm, làm nhiệm vụ cung cấp điện năng với phương thức kết hợp Diesel vừa chạy nền vừa phủ đỉnh để đảm bảo cung ứng điện cho toàn đảo.
Nhà máy điện gió Phú Quý – huyện đảo Phú Quý – Bình Thuận được xây dựng trên địa bàn 2 xã Long Hải và Ngũ Phụng với 3 trụ tuabin, chiều cao mỗi trụ tuabin là 60m đỡ 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 37m để hứng gió.
Nhà máy do Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 10/2010 với tổng công suất 6 MW, tổng mức vốn đầu tư dự án khoảng trên 335 tỷ đồng do PV Power tự thu xếp, sử dụng tuabin điện gió Vestas – Đan Mạch loại 2,0 MW.
Đây cũng là dự án điện gió đầu tiên của nước ta sử dụng mô hình vận hành hỗn hợp gió – diesel.
Hình 3.8: Nhà máy điện gió trên đảo Phú Quý bắt đầu đi vào hoạt động. Nhà máy được khánh thành vào ngày 24/1/2013 và đưa vào hoạt động.
Trước đây nguồn điện trên đảo Phú Quý chủ yếu được cung cấp từ Nhà máy điện diesel của Công ty Điện lực Bình Thuận chỉ phát điện được 16 giờ/ngày (từ 7 giờ 30 đến 23 giờ 30), lượng điện hàng năm ước khoảng 8,2 triệu kWh. Vì vậy việc đầu tư và đưa nhà máy vào hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho huyện đảo của Bình Thuận, nhất là trong việc phục vụ chiến lược phát triển kinh tế địa phương, góp phần giữ vững an ninh và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng điện gió khoảng 5.000 MW, tính đến năm 2013 chính quyền tỉnh đã chấp thuận cho các nhà đầu tư triển khai 12 dự án điện gió.