Với vai trò, vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, trong những năm vừa qua được sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước, thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng.
Nhìn lại 4 năm từ 2001 – 2004, kinh tế thủ đô liên tục tăng trưởng cao, đều và tương đối ổn định trên tất cả các ngành, các lĩnh vực. Tổng sản phẩm quốc nội thủ đô tăng bình quân là 11,2% năm (đạt được mục tiêu đề ra ). So với các địa phương khác trong cả nước thì Hà Nội có GDP bình quân đầu người xếp vào loại khá cao. Trong ngành công nghiệp: tỷ trọng công nghiệp tăng tương đối nhanh. Nếu như giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm của giai đoạn 1991 – 2000 chỉ tăng 15 - 16% năm, thì giai đoạn 2001 – 2004 tăng bình quân là 19,1% năm (Kế hoạch là 14,5 – 15,5% năm ). Sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú với chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Ngoài 9 khu công nghiệp cũ, Hà Nội đang hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp tập trung, hai khu công nghiệp vừa và nhỏ.
Các ngành thương mại – dịch vụ và các loại hình dịch vụ khác đạt mức tăng trưởng khá với nhiều loại hình đa dạng và phong phú như: du lịch, tài chính, ngân hàng, thương mại, thông tin liên lạc, viễn thông, tư vấn và đào tạo,…Tổng giá trị ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2001 – 2004 là 10,2%/năm (kế hoạch là 9- 10%/năm ). Bước đầu hình thành một số loại hình dịch vụ chất lượng cao.
Nông nghiệp – nông thôn ngoại thành có bước khởi sắc: có những bước chuyển dịch cơ cấu thích ứng. Tốc độ tăng trong ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2001 – 2004 đạt trung bình là 6,3%/năm (kế hoạch đề ra là 6 – 7%/năm ). Cơ cấu kinh tế ngoại thành có chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nông thôn. Trong thời
gian qua và đặc biệt là mấy năm gần đây, nông nghiệp và nông thôn ngoại thành đã phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái.
Nhìn chung trong những năm qua kinh tế của thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả khả quan, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo định hướng. Cơ cấu kinh tế của thành phố cuối năm 2004 là: công nghiệp mở rộng 40,4%, dịch vụ 7,5%, nông – lâm – thủy sản 2,1%. Các thành phần kinh tế đều tăng, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên, thu hút được ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố, tập trung vào các ngành công nghiệp, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần tạo diện mạo mới cho thủ đô.
Về chính trị, trong những năm quan, thủ đô Hà Nội cũng có được những thành tựu quan trọng. Tình hình chính trị ổn định, bền vững, làm cho người dân càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, yên tâm làm ăn sản xuất. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua như đăng cai tổ chức thành công Seagames 22, Hội nghị cấp cao Asem 5, …đã làm quan hệ đối ngoại được mở rộng và có bước phát triển mới, tăng vị thế của thủ đô trên trường quốc tế, để lại một ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè thế giới.
Về văn hóa, xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hà Nội đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trên toàn thành phố, 100% các trạm y tế xã, phường có bác sỹ. Các chương trình dân số – kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, bảo vệ chăm sóc trẻ em, hoạt động của người cao tuổi được triển khai tích cực. Việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đã làm tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 7,95% năm 2000 xuống còn 7,39% năm 2001. Công tác xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ và xóa hộ nghèo, trợ cấp các đối tượng cứu trợ xã hội được đẩy mạnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và phát huy tác dụng.
Thể dục thể thao quần chúng và thành tích cao phát triển phong trào thi đua “người tốt, việc tốt”, “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”,…đạt hiệu quả tích cực. Unesco đã bình chọn Hà Nội là thành phố duy nhất của khu vực châu á - Thái Bình Dương nhận danh hiệu “thành phố vì hòa bình”.
Tuy nhiên, kinh tế – xã hội thủ đô còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục: chất lượng phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn một số mặt chưa cao; chưa khai thác tốt tiềm năng phát triển (như đất đai, nhân lực, …), còn có cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để hỗ trợ kinh tế ngoài quốc doanh; công tác cải cách hành chính, chống tiêu cực, tham nhũng còn khó khăn…