Có rất ít các nghiên cứu xây dựng hệ thống tái sinh trên bèo tấm được công bố cho đến nay. Từ năm 1978, Chang và Hsing đã tạo được callus thành công trên
L. aequinoctialis khi nuôi cấy các cánh của chúng trong môi trường lỏng có chứa 10mg/l 2,4D. Callus được tạo ra từ vùng mô phân sinh xung quanh điểm node phát sinh cánh bèo sau 13 tuần nuôi cấy. Trước đó, trong những năm 1976 - 1978, Chang và Chiu đã tạo thành công callus và tái sinh cánh ở dòng bèo L. gibba G3 [20]. Cho đến năm 1997 - 1998, một số nhà nghiên cứu thuộc đại học phía Bắc bang Carolina phát triển một hệ thống tái sinh thông qua callus ở L. gibba G3. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng mới chỉ là dạng cấu trúc giống cánh màu xanh hoặc dạng nốt sần màu xanh [58].
Một quy trình tái sinh cây được xây dựng trên L. minor đã được công bố năm 2002, trong đó callus được tạo ra với tỷ lệ 89% khi cấy từ mẫu cánh bèo L. minor
(4 loại mẫu: toàn cánh trưởng thành, cánh bị tổn thương do cắt, nửa cánh, mẫu rễ xấp xỉ 1 cm) trên môi trường có bổ sung 45 µM 2,4D. Cánh tái sinh từ callus thu
được trên môi trường tái sinh có 22 µM IAA và 4,0 µM kinetin. Tỷ lệ tái sinh đạt 100%, cánh tái sinh thu được khi chuyển lên môi trường nhân cánh đã nhanh chóng tạo ra cánh bình thường [55].
Li và cộng sự, (2004) đã xây dựng hệ thống tái sinh hoàn chỉnh và chi tiết trên các loài bèo S. oligorrhiza, S. punctata, L. gibba và Hurfeish. Báo cáo này đã phân tích ảnh hưởng của các loại đường và các chất kích thích sinh trưởng tới giai đoạn tạo callus. Các auxin sử dụng gồm có dicamba, PCA, NAA, 2,4D. Các cytokinin gồm: TDZ, BA, 2iP, zeatin. Các loại đường gồm có galactose, sorbitol, maltose, sucrose, manitol. Các chất kích thích sinh trưởng, đường và hàm lượng của chúng được sử dụng khác nhau ở các giai đoạn khác nhau trong hệ thống tái sinh và ở mỗi loài bèo [40].