Đây là bước hết sức quan trọng, thể hiện trình độ, kỹ năng của những người tham gia lập kế hoạch. Những nội dung giáo dục phải được trình bày một cách có hệ thống, phù hợp với khả năng, nhu cầu phát triển của đứa trẻ. Lập kế hoạch cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cần tuân theo các yêu cầu chung của một bản kế hoạch. Tuy nhiên, với trẻ khuyết tật thì lập kế hoạch cá nhân có những đặc điểm riêng.
a. Một số yêu cầu khi xây dựng kế hoạch
- Hệ thống kiến thức, kỹ năng cần được xây dựng từ mức độ đơn giản đến mức độ khó/cao hơn. Chẳng hạn như: việc xây dựng các giai đoạn để hình thành khả năng phân biệt/định hướng trong không gian sẽ diễn ra theo trình tự các mức độ sau:
Trong – ngoài Trước – sau Trên – dưới Phải – trái...
- Các nhiệm vụ càng được chia nhỏ thành các bước và thực hiện từng bước/từng phần nhỏ thì càng tốt. Việc xây dựng được trên cơ sở một hệ thống các bước, tuỳ từng trẻ với những khả năng và nhu cầu khác nhau mà xác định số lượng các bước nhiều hay ít, song nhất định phải đi theo từng bước để đạt được mục tiêu mong muốn.
- Thiết kế các hoạt động được diễn ra trong nhiều môi trường khác nhau nhằm tăng số lượng kiến thức cũng như tăng mức độ thành thạo các kỹ năng cho trẻ.
- Sử dụng đồ dùng, phương tiện cần tuân thủ chặt chẽ quy luật của quá trình nhận thức. Do đó, quá trình sử dụng này sẽ được diễn ra như sau:
Vật thật --- Mô hình ---Hình ảnh ---Ngôn ngữ --- Khái niệm - Xây dựng kế hoạch chuyển tiếp về thời gian, ví dụ như giữa hai học
kỳ, hai tháng... hay chuyển tiếp về kiến thức, kỹ năng mang tính củng cố và lĩnh hội tri thức mới thể hiện trong những hoạt động phong phú, lôgíc và trẻ hứng thú tham gia.
b. Xác định thời gian, nội dung và biện pháp tổ chức các hoạt động Thời gian trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng:
Thông thường, trẻ có NCGDĐB cần nhiều thời gian hơn để có thể lĩnh hội được một khối lượng kiến thức và do đó trẻ cũng cần được tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Điều này liên quan đến việc phân phối lượng thời gian để thực hiện một nội dung hoạt động nhằm đạt đến mục tiêu giáo dục đã xác định sao cho phù hợp, mang tính khả thi và kích thích hứng thú cho cả giáo viên và trẻ.
Cần tránh biểu hiện nôn nóng hay quá kỳ vọng vào sự tiến bộ vào trẻ. Ví dụ, một trẻ khuyết tật đang học lớp 2 học kỳ II có khả năng đếm được từ 1 đến 5 thì giáo viên cho rằng trẻ này có thể đếm được đến 100 khi kết thúc học kỳ II. Vấn đề là trẻ phải mất 2 năm mới đếm được đến 5, thì một học kì liệu trẻ có thể đếm được đến 100?
Trình tự các bước tiến hành hoạt động:
Chia nhỏ nhiệm vụ, nội dung thành các bước càng nhỏ càng tốt đối với trẻ NCGDĐB. Tuy nhiên, một kỹ năng thực sự quan trọng khác là kỹ năng xây dựng các bước chuyển tiếp bao gồm việc củng cố kiến thức, kỹ năng đã đạt được, hình thành kiến thức, kỹ năng mới và chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo.
Ví dụ: Mục tiêu của năm học của trẻ A có thể thực hiện được phép tính cộng trong phạm vi 5, khi trẻ A đã thực hiện được phép tính: 2 + 1 = 3 thì muốn tiếp tục hướng dẫn trẻ thực hiện phép tính 3 + 1 = 4 giáo viên nên có một giai đoạn hướng dẫn chuyển tiếp, tức một giai đoạn nhỏ hơn, đó là hướng dẫn trẻ thực hiện phép tính: 1 + 2 = 3. Trên cơ sở của số lượng và mức độ kiến thức trẻ cần lĩnh hội giáo viên cần xác định được điều này.
Nội dung, tổ chức hoạt động và mức độ tham gia của trẻ NCGDĐB
Với một hoạt động cụ thể thì trẻ khuyết tật sẽ làm gì, ai là người hỗ trợ trẻ tham gia, giáo viên sẽ làm gì đối với hoạt động chung của lớp và hỗ trợ vào lúc nào, hỗ trợ như thế nào, trong thời gian bao lâu cần phải được thể hiện rõ trong khâu lập kế hoạch cũng như trong quá trình thực hiện kế hoạch.