Thông tin phản hồi cho hoạt động 5:

Một phần của tài liệu Văn học – giáo trình đào tạo giáo viên tiểu học part 9 ppt (Trang 26 - 30)

+ Cắt nghĩa lí do khiến Phạm Hổ được coi là nhà thơ của tình bạn: đối tượng và cách thức miêu tả trong thơ ông đều nhằm mục đích giới thiệu cho các em nhỏ những người bạn tốt.

+ Những yếu tố nghệ thuật chính của tập thơ Chú bò tìm bạn: nghệ

thuật nhân hoá, đối thoại, mô phỏng âm thanh.

Tiểu chủ đề 3: Phân tích một số tác phẩm (hoặc đoạn trích) trong SGK Tiếng Việt tiểu học

Thông tin cho hoạt động: SV thực hành phân tích một số tác phẩm

hoặc đoạn trích của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu được giới thiệu trong SGK Tiếng Việt tiểu học.

Nhiệm vụ

+ Nhiệm vụ 1: phân tích bài thơ Đàn gà mới nở của Phạm Hổ (SGK

Tiếng Việt 2, tập 1) nhằm khám phá vẻ đẹp của đàn gà mới nở mà tác giả miêu tả trong bài thơ.

SV làm việc cá nhân – tự phân tích bài thơ (có thể dùng các câu hỏi đọc hiểu làm phương tiện) và trình bày những suy nghĩ của mình về bài thơ. + Nhiệm vụ 2: Phân tích bài thơ Cây dừa của Trần Đăng Khoa (SGK Tiếng Việt 2, tập 2), phát hiện và nêu được ý nghĩa tác dụng của các biện pháp nghệ thuật tác giả đã sử dụng để miêu tả cây dừa.

SV làm việc cá nhân - tự phân tích bài thơ, sau đó trao đổi thảo luận về nội dung và nghệ thuật của bài.

+ Nhiệm vụ 3: tương tự như vậy, SV tiến hành phân tích các bài văn

Bóp nát quả cam của tác giả Nguyễn Huy Tưởng (SGK Tiếng Việt 2, tập 2)

và Dế Mèn bênh vực kẻ yếu của Tô Hoài (SGK Tiếng Việt 4, tập 1).

+ Viết một đoạn văn ngắn miêu tả đàn gà mới nở.

+ Phân tích những câu thơ mình thích nhất trong bài thơ Cây dừa. + Nêu kịch tính của tình huống Trần Quốc Toản bóp nát quả cam. + Tại sao có thể tặng cho Dế Mèn danh hiệu hiệp sĩ?

Thông tin phản hồi cho hoạt động

- Bài Đàn gà mới nở: GV xem và sửa lỗi bài viết của SV.

Gợi ý nội dung đoạn văn: chính vì đối tượng miêu tả chính trong bài thơ là đàn gà mới nở, nên tác giả còn miêu tả cả những hoạt động của gà mẹ, từ đó tạo ra hình ảnh đẹp về tình mẫu tử. Đặc điểm của các chú gà con được nhấn mạnh ở các hình ảnh: lông vàng mát dịu, mắt đen sáng ngời, líu ríu chạy, như hòn tơ nhỏ lăn tròn. Hình ảnh gà mẹ được miêu tả qua những hành động bảo vệ và chăm sóc đàn con: dang cánh che chở cho con khỏi nguy hiểm, dẫn con đi kiếm mồi.

Đàn gà con trong bài thơ cùng một lúc trở thành đối tượng âu yếm của cả gà mẹ lẫn của tác giả khi tình cảm của tác giả dâng trào qua lời cảm thán: Ôi! Chú gà ơi! Ta yêu chú lắm! Trong phút chốc, đàn gà con không chỉ đơn thuần là các con vật đáng yêu mà còn là hình ảnh dễ thương của những em bé mới chào đời cần được yêu thương chăm sóc.

- Bài Cây dừa: GV có thể gợi ý - đối tượng miêu tả của bài thơ không có gì mới mẻ, xa lạ bởi vì cây dừa là loài cây rất quen thuộc với người Việt Nam. Nhưng qua cách miêu tả của tác giả, nó bỗng hiện ra với những hình ảnh mới mẻ, ngộ nghĩnh. Đó chính là nghệ thuật lạ hoá của văn chương

nghệ thuật. Nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ và so sánh đã biến cây dừa khi thì thành một người bạn tốt thích giao lưu, khi thì thành một người lính dũng cảm bảo vệ Tổ quốc. Các câu thơ tạo ra bức tranh đồng quê thanh bình với

bầu trời đầy nắng gió, trăng sao… trong đó cây dừa là trung tâm liên kết các yếu tố khác nhau của bức tranh đó.

- Bài Bóp nát quả cam: kịch tính của tình huống bóp nát quả cam trong đoạn trích được tạo bởi những xung đột, mâu thuẫn giữa nhân vật và hoàn cảnh. Đất nước lâm nguy, là trai thời loạn, Quốc Toản nóng lòng được tham gia đánh giặc, ngặt nỗi nhà vua chê còn nhỏ tuổi không cho tham gia việc nước. Hành động của nhân vật là kết quả của những cảm xúc trái ngược: tự ái, uất ức, căm thù, bất lực...

- Bài Dế Mèn bênh vực kẻ yếu: Dế Mèn được coi là hiệp sĩ vì đã biết dùng sức mạnh, ảnh hưởng của mình để cứu giúp chị Nhà Trò thoát khỏi hoàn cảnh éo le, bất hạnh.

Hoạt động 4: Kiểm tra (1 tiết) 1. Mục đích kiểm tra:

- Kiểm tra một số kiến thức cơ bản của VHTN Việt Nam nhằm đánh giá năng lực học tập của SV.

- Thông qua các bài tập thực hành, đánh giá kĩ năng cảm thụ, phân tích văn thơ của SV.

2. Nội dung kiểm tra: ngoài việc yêu cầu SV kể tên một số nhà văn,

nhà thơ viết nhiều cho thiếu nhi, giới thiệu tóm tắt một số tác phẩm VHTN mình đã đọc và yêu thích, GV có thể chọn một trong số các đề bài trong mục “Đánh giá sau khi học xong chủ đề 4” dưới đây cho SV làm bài.

5. Đánh giá sau khi học xong chủ đề 4

Đề 1. Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật lịch sử của nhà văn Nguyễn

Huy Tưởng qua tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng.

Đề 2. Tại sao nói Dế Mèn rất giống với một cậu bé tuy hiếu động, hiếu thắng

nhưng luôn có ý thức hướng thiện và phục thiện?

Đề 3. Hãy phân tích hình ảnh cánh cò tuổi thơ trong thơ Trần Đăng Khoa. Đề 4. Phân tích bài thơ Chú bò tìm bạn của nhà thơ Phạm Hổ.

5.2. Thông tin phản hồi của đánh giá: Gợi ý trả lời các đề bài cho sẵn.

Đề 1. Cần khẳng định rằng nhân vật lịch sử nói chung và nhân vật lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đều là những người anh hùng. Trần Quốc Toản là một anh hùng nhỏ tuổi, vì vậy ngoài lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm ra, Quốc Toản còn có những biểu hiện tâm lí của một thiếu niên luôn có ý thức tự khẳng định mình, nhiều khi tỏ ra táo bạo đến mức liều lĩnh.

Những biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng để xây dựng nhân vật:

- Lựa chọn tình huống thử thách buộc nhân vật phải vượt qua. - Lựa chọn chi tiết tiêu biểu làm nổi bật phẩm chất nhân vật. - Miêu tả nhân vật theo nguyên tắc tương phản.

Đề 2. Nên tìm những biểu hiện của con người trong nhân vật Dế Mèn

để làm sáng tỏ vấn đề: Tính cách và đặc điểm tâm lí của Mèn có nhiều điểm tương đồng với một cậu bé đang tuổi trưởng thành – kiêu ngạo, hiếu thắng, ngỗ ngược vì vậy hay mắc sai lầm. Bù lại, Mèn luôn biết suy nghĩ, sửa chữa các sai lầm của mình, hơn nữa Mèn luôn biết trăn trở tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, vươn lên khỏi cái tầm thường. Vì vậy, nhân vật Dế Mèn luôn gần gũi với bạn đọc nhỏ tuổi, thậm chí đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho nhiều cậu bé đang ở tuổi mới lớn.

Một phần của tài liệu Văn học – giáo trình đào tạo giáo viên tiểu học part 9 ppt (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(30 trang)