Cấu trúc tiểu đối dùng để miêu tả hình tượng thiên nhiên một

Một phần của tài liệu Cấu trúc và chức năng của tiểu đối trong truyện kiều (Trang 71 - 73)

VII. Bố cục luận văn

3.2.1. Cấu trúc tiểu đối dùng để miêu tả hình tượng thiên nhiên một

cách súc tích và gợi cảm

Truyện Kiều của Nguyễn du thuộc loại tác phẩm “thi trung hữu hoạ”. Người ta dễ dàng nhận ra chất hội hoạ trong thi phẩm này, nhất là ở những câu thơ, đoạn thơ miêu tả cảnh vật thiên nhiên. Giống như hầu hết các nhà thơ khác sống trong cùng thời đại, Nguyễn Du cũng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật sáng tác theo lối từ chương cổ. Truyện Kiều cũng như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Du có sử dụng rất nhiều các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc, đặc biệt là bút pháp miêu tả mang tính tượng trưng, ước lệ. Với Truyện Kiều, bút pháp này được phát huy một cách có hiệu quả trong những trường hợp miêu tả chân dung nhân vật (mà chúng tôi đã nói đến ở phần trên) cũng như miêu tả cảnh vật thiên nhiên. Sự kết hợp giữa bút pháp tượng trưng, ước lệ với biện pháp tiểu đối đã đem đến một màu sắc khác, mới lạ cho cảnh sắc thiên nhiên.

Trong Truyện Kiều có nhiều bức tranh thiên nhiên được mô tả trong những yếu tố không gian, thời gian khác nhau. Có một tính chất chung dễ nhận thấy là hầu hết các bức tranh cảnh vật thiên nhiên được miêu tả trong tác phẩm đều là những bức tranh nhỏ nhắn, xinh xắn. Điều này là do đặc điểm của thể thơ chi phối. Như ở mục 1 chương 3 đã nói, thơ lục bát không chấp nhận vần trắc nên tác giả khó có thể tạo ra được những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoàng tráng, thoáng đạt. Thế nhưng nhờ có cấu trúc tiểu đối

với sự ngắt nhịp biến hoá linh hoạt, bố cục của bức tranh cảnh vật thiên nhiên trở nên sinh động, rõ ràng, cân đối, hài hoà. Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ tiêu biểu:

Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,

Vẻ non xa/ tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ/ bụi hồng dặm kia.

(1035 - 1036)

Đây là khung cảnh thiên nhiên phía trước lầu Ngưng Bích, nơi Thúy Kiều đang bị giam lỏng sau khi quyên sinh không thành. Cảnh vật được miêu tả qua con mắt của nàng Kiều đang đứng trên lầu cao hướng mắt ra phía biển xanh trước mặt. Vì đứng ở vị trí đó nên hình ảnh đầu tiên Kiều nhìn thầy là một dáng núi in hình lên nền trời, trông như đang ở gần kề với một mảnh trăng trong. Cấu trúc tiểu đối 3/3//2 với hai nhịp lẻ, chẵn kết hợp đem đến một nét nhìn nhạt nhòa, khiến cho cảnh vật thiên nhiên như bị đẩy lùi ra xa. Từ đó, tạo điều kiện tô đậm, nhấn mạnh đến điểm trọng tâm của bức tranh thiên nhiên: một bên là cồn cát vàng nhấp nhô còn bên kia là con đường mờ bụi đỏ. Hai cấu trúc tiểu đối với bốn hình ảnh đặt trong thế đối xứng tạo nên một bức tranh phong cảnh cân chỉnh, hài hoà, có hình khối, màu sắc, có độ đậm, nhạt.

Hay như ví dụ sau:

Mảng vui rượu sớm/ cờ trưa, Đào đà phai thắm/ sen vừa nảy xanh.

(1473 - 1474)

Hai dòng thơ là hai cấu trúc tiểu đối liên tiếp: một tiểu đối dùng để giới thiệu cuộc sống sinh hoạt thường ngày của Thúy Kiều và Thúc Sinh; một tiểu đối dùng để miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Trong đó, tác giả cố tình nhấn mạnh đến cảnh vật thiên nhiên. Bằng chứng là, khi miêu tả bức tranh cuộc sống, tác giả dùng cấu trúc tiểu đối bộ phận (có ở hơn 50% số tiếng của dòng thơ), còn

khi miêu tả bức tranh thiên nhiên thì tác giả lại sử dụng một cấu trúc tiểu đối toàn phần. Các hình ảnh, màu sắc trong bức tranh thiên nhiên này được đặt trong thế đối xứng nhau một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh: đào/ sen, thắm/ xanh. Cảnh vật tuy bị tách ra làm hai nửa nhưng lại như có mối giao hoà trong thế chuyển giao giữa hai mùa xuân, hạ. Sự vật được liệt kê, miêu tả, nhờ có tiểu đối, trở nên hài hoà, thanh nhã và hữu tình hơn.

Ngoài ra, trong Truyện Kiều còn có rất nhiều bức tranh thiên nhiên khác được “vẽ” nên bởi những dòng tiểu đối đặc sắc, trở thành những áng thơ được độc giả nhiều thế hệ tâm đắc. Đó là:

Nửa rèm tuyết ngậm/ bốn bề trăng thâu (1242)

Thành xây khói biếc/ non phơi bóng vàng (1604)

Bóng hoa đầy đất/ vẻ ngân ngang trời (2032)

Cỏ cao hơn thước/ liễu gầy vài phân (2234)

Triều dâng hôm sớm/ mây lồng trước sau (2736)

Nhờ có tiểu đối, bức tranh thiên nhiên trở nên hài hoà, trọn vẹn, hoàn thiện và mang sắc thái trường cửu; giá trị nghệ thuật và vẻ đẹp của dòng thơ tả cảnh, nhờ đó, cũng trở nên rõ ràng và hấp dẫn hơn nhiều.

Một phần của tài liệu Cấu trúc và chức năng của tiểu đối trong truyện kiều (Trang 71 - 73)